Thêm giàn khoan, TQ dần biến Biển Đông thành ao nhà
Chuyên gia VN và quốc tế lo ngại sau ngày 15/8 khi TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 về, sẽ có giàn khoan khác sẵn sàng thay thế để gối nhau.
Bên lề hội thảo quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa tại Đà Nẵng ngày 20/6, các học giả bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh việc TQ đưa thêm giàn khoan xuống Biển Đông.
Hiện thực hóa lưỡi bò
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN:
Việc triển khai thêm giàn khoan ra Biển Đông cho thấy TQ sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa tuyên bố đường lưỡi bò.
Không chỉ một giàn khoan mà thêm nhiều giàn khoan khác, sân bay và thêm sân bay nữa, chiếm được chỗ này chiếm thêm chỗ khác nữa, dần dần biến Biển Đông thành cái ao của riêng họ.
Chiến thuật của TQ luôn là lùi để tiến, tiến là để chiếm toàn bộ Biển Đông. Âm mưu độc chiếm Biển Đông là quá rõ ràng.
Giàn khoan gối giàn khoan?
Ông Leszek Buszynski: Rất có thể TQ sẽ tiếp tục o ép VN
Chuyên gia người Úc, Leszek Buszynski, Trường an ninh quốc gia, ĐH Quốc gia Australia:
Có khả năng là sau ngày 15/8 khi TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 về, sẽ có giàn khoan khác sẵn sàng thay thế để gối nhau.
Tất nhiên cộng đồng quốc tế sẽ lên án họ, cảnh bảo rằng uy tín quốc gia của TQ sẽ bị tổn hại, nhưng chúng ta cũng không biết được. Rất có thể TQ sẽ tiếp tục o ép VN.
Hiện thực hóa “chủ quyền di động”
Cố vấn các vấn đề chiến lược Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á, Subhash Kapila:
Những động thái mới về việc điều các giàn khoan ra Biển Đông chính là việc TQ bắt tay vào thực hiện chiến lược mới về "chủ quyền di động".
Họ hy vọng rằng bằng cách đưa ngày càng nhiều giàn khoan vào, họ sẽ củng cố những tuyên bố của họ về chủ quyền trên Biển Đông đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phô diễn vì chủ nghĩa dân tộc
Ông Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị (SWP), Viện Chính trị và an ninh quốc tế Đức:
Đây là một động thái làm gia tăng căng thẳng, đi ngược lại với chính cái lợi ích kinh tế lâu dài của Biển Đông mà chính những người đại diện TQ tuyên bố.
Thông tin về việc triển khai thêm các giàn khoan trên Biển Đông, được đăng trên báo chí TQ, cũng có thể là để nhắm tới công chúng TQ, để Chính phủ TQ tỏ ra với người dân TQ vốn khá dân tộc chủ nghĩa rằng "họ có làm gì đó".
TQ không có một chiến lược rõ ràng và thuyết phục lắm về cách hành xử trên Biển Đông. Cũng khó đi đến thỏa hiệp hoặc đồng thuận về vấn đề này được trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc của người dân cao như vậy.
Philippines: đích nhắm tiếp theo?
GS. Renato de Castro của ĐH De la Salle:
Nếu giàn khoan thứ nhất là nhắm trực tiếp vào VN, thì giàn khoan tiếp theo rất có thể là để nhắm trực tiếp vào Philippines.
Họ sẽ đẩy VN và Philippines trở thành cùng hội cùng thuyền. Rất có thể đây là phản ứng của TQ trước việc VN và Philippines cùng chơi bóng chuyền trên một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần đây.
TQ đang tự làm khó mình
GS. Erik Franckx, ĐH Tự do Brussels (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực:
Nếu những giàn khoan này được triển khai đến các vùng khác nhau trên Biển Đông, các nước liên quan chắc chắn sẽ khó chịu.
Vì thế tôi nghĩ TQ đang tự làm khó mình khi có động thái như vậy. Những cuộc hội thảo như thế này sẽ được tổ chức tại Malaysia, Philippines nếu như các giàn khoan được kéo gần đến nước họ. Tôi tin rằng ở những nước đó, người dân ở đó cũng sẽ rất giận dữ.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Tết Âm lịch năm nay có rơi vào đợt rét đậm, rét hại? Thời tiết cụ thể dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ thế nào?
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Cột tin quảng cáo