Thêm kẽm, bớt ung thư
Kẽm là vi khoáng đã được biết đến với vai trò kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch, phòng chống các bệnh nhiễm trùng ở người và động vật, đặc biệt là phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em.
Từ năm 2001 – 2003, tạp chí Nghiên cứu về ung thư của Mỹ đã công bố nhiều phát hiện về vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư thực quản ở chuột thí nghiệm.
Các tác giả cho chuột ăn một chế độ thiếu kẽm (0 – 3ppm, ZD) trong vòng năm tuần, sau đó được bơm một liều NMBA (Nitrosomethyl-benzylamine, chất gây ung thư thường có trong thực phẩm nướng cháy) 2mg/kg cân nặng của chuột, đây là một mô hình gây ung thư thực nghiệm đường tiêu hoá đã được áp dụng rộng rãi trong thập kỷ qua.
Sau khi nhận chất gây ung thư NMBA, ngay lập tức một nhóm chuột được chuyển sang ăn chế độ phục hồi đủ kẽm (75ppm, ZR), một nhóm vẫn tiếp tục ăn chế độ thiếu kẽm như trước. Các theo dõi biến đổi về tế bào học của biểu mô thực quản được thực hiện sau 1 giờ, 24 giờ, 72 giờ và 432 giờ (18 ngày).
Thật đáng ngạc nhiên: kết quả cho thấy ở nhóm chuột được ăn chế độ phục hồi đủ kẽm có tỷ lệ xuất hiện khối u biểu mô thực quản là 8%, ít hơn hẳn so với nhóm chuột đối chứng (vẫn ăn chế độ thiếu kẽm) có tỷ lệ xuất hiện khối u là 93% tại thời điểm 15 tuần sau ăn chất NMBA.
Các tác giả đã chứng minh cơ chế tác dụng của kẽm trong phòng chống ung thư liên quan tới sự lập trình chết (Apoptosis) của tế bào biểu mô thực quản khi tiếp xúc với chất gây ung thư.
Bằng theo dõi phát triển tế bào, nghiên cứu đã cho thấy quá trình Apoptosis được thiết lập rất sớm: 5 – 30 phút ngay khi tiếp xúc với chất độc NMBA. Hình thái của tế bào nhiễm độc bị thay đổi, được tiếp tục tồn tại phát triển hoặc bị loại trừ khỏi biểu mô thực quản tuỳ thuộc một số điều kiện.
Nếu ăn đủ kẽm sẽ giúp quá trình lập trình có lợi xảy ra, tức là loại trừ những tế bào bất thường bị nhiễm độc; ngược lại nếu chế độ ăn không đủ kẽm, hoặc cơ thể bị thiếu kẽm thì các tế bào bị nhiễm chất độc sẽ được lập trình để tiếp tục tồn tại và phát triển thành khối u hoặc ung thư.
Về mặt thực tế, quá trình Apoptosis xảy ra nhanh, do vậy ít được chú ý trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ cơ chế này mà cơ thể con người có thể tự bảo vệ hoặc cũng có thể gây nên những biến đổi bất thường trong một số điều kiện không thuận lợi và gây hậu quả không tốt cho cơ thể (như ung thư thực quản dưới tác dụng của chất NMBA).
Từ nghiên cứu trên, chúng ta thấy rằng biện pháp phòng chống ung thư tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất độc hại. Tuy nhiên, việc phát hiện để tránh các chất độc hại hàng ngày không phải lúc nào cũng làm được.
Vậy biện pháp thực tế hơn là luôn chuẩn bị cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn những món có nhiều các chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng, các chất chống oxy hoá như kẽm, selen, vitamin C, vitamin E, beta-carotene, lycopene, flavonoids, vốn có nhiều trong rau quả tươi có màu vàng, xanh, tím, đen, các chế phẩm từ đậu nành... để giúp cơ thể phòng chống nhiều loại ung thư.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo