Thêm vốn ngoại, có đáng lo?
Thực tế là nguồn đầu tư trong nước không đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của Việt Nam. Vì thế, việc mở rộng mọi điều kiện để thu hút nguồn vốn ngoại là hết sức quan trọng. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ cao và những ngành mang lại giá trị gia tăng hay hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam cũng cần tiếp tục khuyến khích.
Nếu một số nội dung Dự thảo mới được Chính phủ thông qua thay thế một số điểm trong Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg, trong đó, điểm thay đổi quan trọng nhất liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa dành cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (room) sẽ rất có lợi cho thị trường.
Theo đánh giá của các thành viên thị trường, nó tác động rất mạnh tới thị trường chứng khoán ở những khía cạnh như: tăng thanh khoản, mở ra điều kiện thành lập cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ mở thu hút dòng vốn nước ngoài thuận lợi hơn, từ đó thay đổi cơ cấu DN theo hướng có nhiều NĐT tổ chức, thêm “khoảng trống đầu tư” cho các công ty quản lý quỹ... Hay nói cách khác ở góc độ DN, điều này sẽ giúp nền kinh tế có thêm dòng tiền “tươi và mới” trong bối cảnh mọi nguồn vốn đầu tư nội địa đều khó khăn và cạn kiệt.
Tuy nhiên, việc NĐT nước ngoài quá quan tâm đến việc đưa vốn vào DN trong nước ở thời điểm này, theo nhiều chuyên gia, mừng nhiều nhưng lo cũng không ít. Bởi trước kia, nguồn vốn ngoại chủ yếu đầu tư trực tiếp để thành lập DN mới, nhưng nay họ quan tâm đến hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).
Đồng thời, những năm qua, nếu quan sát dễ thấy khối ngoại đầu tư nhiều ở các lĩnh vực bất động sản và một số ngành khác thì nay, chúng ta chứng kiến rất nhiều thương vụ ở mảng bán lẻ, y tế, giáo dục và các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, thậm chí là cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng - những lĩnh vực được xem là nhạy cảm an ninh kinh tế và đang vùng “phủ sóng” của DN trong nước.
Những diễn biến gần đây, dù lặng lẽ và âm thầm, nhưng vẫn cho thấy: các NĐT ngoại đã bắt đầu đưa nhân sự của mình vào ban điều hành DN. Có nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm thiết yếu của các NĐT Âu - Mỹ - Á vào Việt Nam. Chẳng hạn, một cổ đông lớn là The Nawaplastic Indutries (Thái Lan) xuất hiện rất bất ngờ ở cả hai DN nhựa lớn trên sàn trong năm 2012. Và đến kỳ ĐHĐCĐ năm 2013 của Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP), The Nawaplastic Industries (Saraburi) đã tiến thêm một bước khi chính thức đưa người của mình vào HĐQT và BKS.
Được biết, trước đây, dù nắm nhiều cổ phiếu nhưng hoạt động của The Nawaplastic Industries chỉ thuần túy là đầu tư tài chính, chưa có tham gia vào quản trị, điều hành của cả NTP và BMP. Do vậy, từ tháng 3/2012, công ty này xúc tiến gom mua cổ phần và nắm một lượng vốn lớn ở cả NTP, BMP với việc mua lần lượt gần 6 triệu cổ phiếu BMP, ứng với tỷ lệ sở hữu 16,72% vốn; 9,8 triệu cổ phiếu NTP tương đương 22,67% vốn.
Từ thời điểm đó cho đến hết quý I/2013, NTP và BMP đều là những DN dẫn đầu ngành về quy mô và thị phần phân phối sản phẩm bằng nhựa xây dựng. Việc từng bước nâng dần tỷ lệ sở hữu, chính thức đưa người vào ban điều hành của The Nawaplastic Industries và tuyên bố kế hoạch nắm giữ tới 49% làm dấy lên lo ngại nguy cơ ngành nhựa Việt Nam bị “thâu tóm”. Cho tới thời điểm này, lãnh đạo của cả NTP và BMP đều phủ nhận chuyện bị “thâu tóm” nhưng với các DN khác và NĐT, trường hợp của Bibica-Lotte đang rất nóng trong suốt thời gian qua vẫn khiến nhiều DN phải e ngại.
Thừa nhận điều này, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS) cho biết, lúc này mọi quyết định nới room cho NĐT ngoại đều có thể hỗ trợ cho khối DN niêm yết và cho ngành Ngân hàng, tạo động lực cho hàng chục tỷ USD được bơm vào thị trường trong nước, tham gia tích cực vào tiến trình xử lý nợ xấu và phục hồi nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận các DN trong nước hiện đang yếu về cả quản trị lẫn chiến lược kinh doanh dài hơi. Vậy nên, cân đối giữa lợi ích chung và lợi ích DN, các DN trong nước cũng cần làm quen với tư duy thâu tóm để có những chiến lược sao cho phù hợp hơn.
Nhận định về việc vốn ngoại tham gia sâu vào DN nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Việc tiếp nhận nguồn vốn từ một số nước châu Á phải hết sức thận trọng, nhất là những ngành thâm dụng lao động và gây ảnh hưởng đến môi trường nên được xem xét kỹ càng. Nếu không hậu quả sẽ rất lâu dài. Do đó, việc cải thiện cơ chế và ra quyết định, cải thiện môi trường đầu tư, pháp luật là điều rất quan trọng để một mặt có thể phát triển, mặt khác chúng ta vẫn bảo vệ được DN mình”.
Dự thảo mới nhất có 5 nội dung quan trọng liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng, đã được Ủy ban Chứng khoán và các thành viên thị trường thảo luận và nhất trí cao.
Theo đó, NĐT nước ngoài có thể sở hữu tối đa 60% số cổ phiếu có quyền biểu quyết ở một số công ty niêm yết. Thay đổi khác đáng chú ý là trong một số trường hợp, NĐT nước ngoài có thể sở hữu lên tới 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty niêm yết. Trong khi các dự thảo trước đây chỉ quy định mức sở hữu này đối với đối tác chiến lược của DN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo