Thép nội, thép ngoại giành giật thị trường
Với quá nhiều doanh nghiệp tham gia, thị trường thép phía Bắc bước vào giai đoạn giành giật thị phần quyết liệt, đặc biệt là sự “so găng” giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, đại diện một công ty liên doanh sản xuất thép thừa nhận, các doanh nghiệp cán thép ở miền Bắc đang cạnh tranh quyết liệt về giá nhằm giành giật thị phần trong thời điểm cung đã vượt xa cầu và tiêu thụ tiếp tục khó khăn.
Vị này dẫn chứng hai doanh nghiệp thép đang đưa ra mức giá khiến các doanh nghiệp khác vất vả “chạy theo”, đó là Hòa Phát và Vinakyoei ở phía Bắc.
“Nếu phôi nhập khẩu về cán có chi phí là 11,5 triệu đồng/tấn, thì công đoạn cán và các chi phí liên quan khiến giá thành sản xuất thép cộng thêm gần 1,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, có những doanh nghiệp thép bán thép thành phẩm đã cán với giá 11,8 triệu đồng, nghĩa là chỉ hơn giá mua phôi một chút”, vị này nói.
Thừa nhận thực tế đó, ông Phạm Chí Cường, người vừa thôi vị trí Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, hiện có mức giá cạnh tranh nhất trên thị trường thép xây dựng ở khu vực phía Bắc là sản phẩm của Hòa Phát và Công ty Vinakyoei phía Bắc.
“VSA không thể can thiệp vào giá thép của các đơn vị bán thấp, bởi họ vẫn bán trên giá thành sản xuất và có lãi, chứ không phải bán dưới giá thành”, ông Cường phân tích.
Với trường hợp Công ty Vinakyoei tại Ninh Bình (công suất ban đầu là 300.000 tấn/năm, đã đi vào hoạt động với tư cách là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là Pomihoa), được ông Cường cho rằng, vì là năm đầu đi vào sản xuất ở khu vực phía Bắc, doanh nghiệp muốn giới thiệu sản phẩm để thị trường làm quen, nên có giá thấp hơn so với các doanh nghiệp khác.
Còn trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, theo ông Cường, do có lợi thế về công suất lớn, lại tự sản xuất được phôi thép từ quặng trong nước, nên giá thành thép Hòa Phát rẻ hơn là điều dễ hiểu.
“Hòa Phát sản xuất phôi thép từ quặng, mà giá quặng ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/3 giá quặng thế giới, nên dù sản lượng quặng sản xuất ra không lớn (so với các doanh nghiệp phôi thép trên thế giới), nhưng vẫn có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất phôi thép từ phế liệu và bằng lò điện. Với năng lực sản xuất khoảng 1 triệu tấn phôi thép và hơn 1 triệu tấn thép cán/năm, Hòa Phát là đơn vị lớn nhất của ngành thép ở miền Bắc, nên chiếm thị phần cao hơn cũng không lạ”, ông Cường nói và cho biết thêm, hiện ở miền Bắc có 12 doanh nghiệp thép xây dựng đang cùng hoạt động, nên việc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn hẳn.
Trong khi đó, miền Nam chỉ có 4 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 3 “đại gia” với sản lượng khá đồng đều, đó là Thép Việt (Pomina), Thép Miền Nam và Thép Phú Mỹ, nên việc “nhìn nhau” để làm thị trường cũng dễ hơn. Có lẽ bởi vậy mà thép xây dựng trên thị trường miền Bắc hiện có mức giá chỉ 12,95 - 13,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá 16,1 - 16,2 triệu đồng/tấn tại thị trường miền Nam.
Báo cáo tổng kết 9 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng cho thấy, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép đã mang lại khoản lợi nhuận trước thuế lên tới 969 tỷ đồng. Còn phần thăm dò, khai thác khoáng sản và luyện kim cũng mang lại cho Hòa Phát 106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ông Nguyễn Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho hay, việc Hòa Phát thời gian gần đây có tăng trưởng tốt về thị phần và quy mô là nằm trong lộ trình đã định của doanh nghiệp, cộng thêm quản trị tốt, nên có chi phí sản xuất thấp hơn.
Với năng lực sản xuất phôi hơn 1 triệu tấn và năng lực cán thép cũng hơn 1 triệu tấn, việc tăng quy mô, thị phần của Hòa Phát là điều tất yếu, song ông Dương cũng cho hay, để đỡ gây sốc cho thị trường nội địa trong thời gian trước mắt, Hòa Phát sẽ chia sẻ bằng cách bán một phần phôi tự sản xuất được cho các doanh nghiệp thép ở cả miền Nam và miền Bắc, đồng thời xuất khẩu phôi ra nước ngoài, dù lãi không nhiều. “Nhưng trong tương lai, thị phần của Hòa Phát còn tăng tiếp”, ông Dương đưa ra thông điệp với các doanh nghiệp khác tại cuộc họp của VSA vừa diễn ra.
“Trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn, nhiều công trình xây dựng tiếp tục giãn tiến độ, dẫn đến thị trường thép trong nước ảm đảm, nhưng lại có thêm một số nhà máy mới đi vào hoạt động như thép Hòa Phát, Thép Việt hay Vinakyoei Ninh Bình, thì việc cạnh tranh giành giật thị phần trở nên khốc liệt hơn là đương nhiên, bởi lượng cung tăng cao”, ông Cường nhận xét.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo