Thép nội trước nguy cơ phá sản hàng loạt
Vòng đàm phán thứ 7 của VN để ký kết Hiệp định Liên minh hải quan (VCUFTA) với các nước Nga, Belarus, Kazakhstan dự kiến được tổ chức từ ngày 15 - 19.9 tại Nga. Khi nghe tin về vòng đàm phán này, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép VN, thậm chí những “đại gia” như Tập đoàn Hòa Phát hay Tập đoàn Hoa Sen, đều tỏ ra lo ngại.
Cố gắng để... chết sau cùng
Một vị lãnh đạo của Tập đoàn Hòa Phát cho biết, theo các nội dung được chuẩn bị đàm phán trong hiệp định, Bộ Tài chính đưa ra phương án sàn là hàng loạt các mặt hàng sắt thép của Nga nhập khẩu vào VN sẽ được hưởng thuế suất 0%. “Nếu hiệp định này thông qua, với phương án ấy, tôi dám chắc chỉ trong vài năm đầu, 70% DN thép VN sẽ chết hết và chúng tôi cũng sẽ cố gắng để… chết sau cùng vì không thể nào cạnh tranh nổi với ngành sản xuất thép quy mô quá lớn, nhiều ưu thế của Nga”, vị này nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Thép VN Chu Đức Khải phân tích: “Ngành thép VN, nhất là thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh cực kỳ khủng khiếp với người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép của thế giới là Nga, thậm chí mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc”. Theo ông Khải, năm 2013, Nga đứng thứ 5 về sản lượng thép thô trên thế giới với 68,7 triệu tấn và xuất khẩu 23,6 triệu tấn - đứng đầu lượng xuất khẩu thép của thế giới. Trong khi đó, công suất hiện nay của các nhà máy thép VN chỉ hơn 11 triệu tấn (sản lượng thép thô chỉ 5,6 triệu tấn). Ông Khải nhận xét: “Tất cả cho thấy các DN sản xuất thép nội đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt khi hiệp định này được ký kết. Cho nên chúng tôi có đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương đàm phán lại mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng thép trong hiệp định hài hòa với mức thuế và lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của VN (lộ trình giảm thuế trong khoảng 10 năm để về mức 0% - PV)”.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ống thép Việt - Đức, cũng cho rằng nếu hiệp định được thông qua và thuế suất thép áp dụng ngay là 0% ngay đầu năm 2015 như dự kiến thì sẽ không một DN thép nào sống nổi. “Một nước có nền công nghiệp thép quy mô lớn nhất thế giới như Nga, lại luyện thép trực tiếp từ nguồn quặng sẵn có, thời gian khấu hao đã ổn trong khi các nhà máy thép VN, phần lớn mới đầu tư mấy năm, còn đang khấu hao, quặng phải nhập, quy mô nhỏ… thì làm sao cạnh tranh nổi? Theo tôi, các nhà đàm phán của VN nên nghiên cứu kỹ, có phương án hợp lý hơn mà vẫn phù hợp với yêu cầu hội nhập. Chứ thực hiện ngay mức thuế suất đó thì VN sẽ quá thua thiệt”, ông Hải nói.
Cần có lộ trình
Theo Hiệp hội Thép VN, không phải các DN không có sự chuẩn bị trước cho việc hội nhập mà đã tích cực chuẩn bị từ lâu, kể từ khi VN đàm phán gia nhập WTO, nhưng với WTO cũng đã có những quy định giãn về thời hạn cam kết. Hay với Trung Quốc, VN cũng đã đạt được những điều khoản để có lộ trình giảm thuế như các mặt hàng ống thép, thép cuộn… Trong khi đó, với hiệp định VCUFTA, nếu thực hiện ngay thì quá gắt, không thể tránh khỏi xóa sổ một ngành công nghiệp thép còn khá non trẻ trong nước. Ông Chu Đức Khải nói rằng bây giờ mới thực hiện thuế suất 5 - 10% mà mấy năm rồi, thép từ Trung Quốc đã tràn ngập thị trường VN, gây áp lực cạnh tranh quá lớn cho ngành thép VN. Nếu thuế suất bằng 0% thì hậu quả còn kinh khủng hơn nhiều.
Trả lời Thanh Niên, một thành viên trong tổ đàm phán hiệp định cho biết, liên bộ Tài chính - Công thương vẫn đang xem xét ý kiến của các DN và Hiệp hội Thép VN để khi đàm phán sẽ đưa ra ý kiến bảo vệ. “Thực sự thì nếu để quá mở, ngành thép phá sản cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ vì mỗi năm, thu thuế từ thép cũng gần 10.000 tỉ đồng và có hàng chục vạn lao động. Tuy nhiên, lộ trình 10 năm như đề nghị của các DN là quá dài, khó có thể thỏa thuận được, 5 năm còn khả thi. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc nhiều mặt vì ta tuy mở thị trường thép trong nước nhưng cũng đẩy mạnh xuất khẩu được các mặt hàng nông, thủy sản, dệt may… sang các thị trường này”, ông này nói.
Được biết, phía Nga đã đưa ra 167 mã hàng hóa mà Nga tỏ ý “đặc biệt quan tâm”, muốn đưa tất cả về thuế suất 0% ngay lập tức và Hiệp hội Thép VN đề nghị có 41 mặt hàng trong số đó cần có lộ trình giảm thuế, phù hợp với cam kết WTO và các hiệp định thương mại khác mà VN đã và chuẩn bị ký kết (hiện có 10 hiệp định FTA đang đàm phán).
Theo một số chuyên gia về kinh tế, thương mại, có thể khó đạt được yêu cầu có 10 năm giãn thời hạn áp dụng thuế suất 0%, nhưng thời hạn 5 năm cũng là khả thi và hợp lý, xét trong lộ trình giảm thuế như với các hiệp định thương mại khác.
Tất cả cho thấy các DN sản xuất thép nội đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt khi hiệp định này được ký kết. Cho nên chúng tôi có đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương đàm phán lại mức thuế suất nhập khẩu...
Ông Chu Đức Khải, Tổng thư ký Hiệp hội Thép VN
Lần đầu tiên VN áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu
Bộ Công thương vừa ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Theo đó, thép nhập từ Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29%. Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64 đến 6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ 5.9.2014.
Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương lần đầu thực hiện cuộc điều tra chống bán phá giá thép ngoại vào tháng 7.2013 sau khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình gửi văn bản yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Cuộc điều tra cho thấy, có bằng chứng về việc bán phá giá nên việc áp dụng thuế chống bán phá giá từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên là phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo