Thép Việt được bảo hộ, chặn thép giá rẻ Trung Quốc
Ngày 18/7, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó thuế suất với phôi thép được giữ nguyên 23,3% trong khi thuế áp cho thép dài tăng từ 14,2% lên 15,4%.
Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ lần này bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, gồm các mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 72.13.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Theo đó, đối với các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế áp dụng sẽ vẫn giữ nguyên là 14,2% theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, cho đến ngày 01/8/2016, tức là trước ngày Quyết định áp dụng biện pháp chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, từ ngày 02/8/2016 đến ngày 21/3/2017, mức thuế sẽ điều chỉnh tăng lên 15,4% áp dụng cho năm đầu tiên. Trong 1 năm sau đó, tức là đến ngày 21/3/2018 mức thuế sẽ là 13,9% và giảm xuống còn 12,4% trong 1 năm tiếp theo; giảm tiếp xuống còn 10,9%. Đến ngày 21/3/2020 và từ ngày 22/3/2020 sẽ về 0% nếu không gia hạn.
Biện pháp tự vệ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu với điều kiện tổng nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.
Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ này trong 4 năm, kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực. Sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế.
Theo Bộ Công Thương, cơ sở để áp dụng biện pháp tự vệ là do khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu đã tăng mạnh cả về mặt tuyệt đối và tương đối trong thời gian gần đây. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất 2 mặt hàng này trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường.
“Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, tăng tồn kho… Cùng với đó, sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép Trung Quốc được xem là những diễn biến khó lường và là nguyên nhân gây gia tăng đột biến lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam”, theo Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 25/12/2015 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sau khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thép kêu cứu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines