Thép, xi măng không nên có biểu giá điện riêng
Trong khi gánh nặng tiêu thụ chưa có lời giải thì hai ngành này tiếp tục đối mặt với gánh nặng mới khi ngành điện đang dự thảo tăng giá bán điện cho hai ngành thêm từ 2-16%. Nếu dự thảo được áp dụng, nhiều doanh nghiệp thép và xi măng sẽ trở nên khốn đốn.
(Vietnam+) Đây cũng là những ý kiến được tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm trực tuyến "Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững" do Báo Công Thương tổ chức sáng 24/7, tại Hà Nội.
Hiện nay, mức tiêu thụ điện năng để sản xuất phôi thép khoảng 450-500kwh/tấn sản phẩm. Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì đây là mức tiêu hao điện ở mức trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi sức tiêu thụ nội địa đang rất chậm, nếu cộng với cơn sốc tăng giá điện như vậy sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khốn cùng.
Cụ thể, tính đến 30/6/2013 lượng tồn kho đối với sản phẩm thép xây dựng ước khoảng 326.947 tấn và lượng phôi thép tồn ước chừng khoảng 500.000 tấn (cả phôi được sản xuất trong nước và nhập khẩu).
Không riêng gì ngành thép, áp lực tăng giá điện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xi măng, khi mà lượng điện tiêu thụ chiếm từ 15-17% trong cơ cấu giá thành của mặt hàng này.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng chia sẻ, từ đầu năm đến nay ngành xi măng vẫn rất khó khăn bởi giá đầu vào như: điện, xăng dầu, phí đường bộ đều tăng nhưng xi măng vẫn giữ giá cũ. Trong khi đó, mặt bằng giá xi măng của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và không thể tăng được vì thu nhập bình quân của người dân còn thấp.
"Tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng Việt Nam không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác," ông Thiện bức xúc.
Trước thực tế trên đại diện của Hiệp hội Thép và Hiệp hội Xi măng đã kiến nghị với Bộ Công Thương cần xem xét lại việc điều chỉnh giá điện sao cho phù hợp, tránh tạo ra những cú sốc cho các doanh nghiệp trong nước khi mà khó khăn về tiêu thụ vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA thì không nên tách biệt giá bán điện riêng đối với ngành thép và xi măng và theo một lộ trình thích hợp giúp các doanh nghiệp từng bước thích nghi dần với sự thay đổi này.
Chia sẻ những vướng mắc trên, theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ngành điện, thép và xi măng đều có những khó khăn. Trong đó, khó của điện là giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành và ngành điện đang chịu lỗ lớn. Còn đối với ngành thép và xi măng đang đối mặt với mức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm mạnh.
Tuy vậy, đối với thép và xi măng thì việc tăng giá điện cũng là một áp lực để giúp hai ngành này phải đổi mới công nghệ và thích ứng dần với các điều kiện khắt khe hơn về môi trường cạnh tranh.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng đưa ra thông điệp, từ năm 2013 trở đi, Bộ Công Thương sẽ không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và phải chấp nhận một thực tế là doanh nghiệp nào năng lực cạnh tranh thấp sẽ phải phá sản.
Đức Duy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo