Tin tức - Sự kiện

Thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố: Nhiều tranh cãi

Thuê xe đạp thì gửi xe máy, ô tô ở đâu? Có phải xây dựng làn đường riêng cho loại phương tiện này,...là những thắc mắc mà người dân đặt ra xung quanh đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng.

Mới đây, để bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành phố đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm các thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.

Sau khi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ được đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Hầu hết người dân bày tỏ quan ngại về việc thực hiện đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại các thành phố lớn.
 
Thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố: Nhiều tranh cãi
 
Đề án hay…nhưng khó thực hiện
 
Độc giả Nguyễn Tuấn bày tỏ quan điểm ủng hộ đề án trên: “Hoan nghênh dự án này. Ý tưởng này đã được làm thành công ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, hy vọng sẽ triển khai thành công ở Việt Nam”. Tuy nhiên, độc gia Nguyễn Tuấn cũng bày tỏ lo ngại khi người thuê sẽ không giữ gìn bảo quản xe công cộng như xe riêng của mình.
 
Cùng ủng hộ đề án trên, anh Trần Sáu (Hà Nội) chia sẻ: “Ý kiến rất hay, chỉ mong dịch vụ thuận tiện, xe đạp chất lượng tốt để đi được lâu dài chứ một thời gian lại bỏ xó thì rất lãng phí”.
 
“Tôi ủng hộ quyết định này. Đi xe đạp khỏe người, bảo vệ môi trường. Nhà tôi có xe máy để không; hai ô tô con mới nhưng tôi cũng đang tìm mua xe đạp đi làm”, một độc giả ở TP.HCM nói.
 
Độc giả Hồng Tuyến mong muốn đề án sẽ sớm được thực hiện: “Mình hy vọng sẽ có cơ hội sử dụng xe đạp để di chuyển đến các trạm xe bus một cách thuận tiện”.
 
“Rất ủng hộ giải pháp này. Tuy nhiên nên xây dựng làn đường an toàn dành cho người đi xe đạp, chứ không thể đi vào làn đường dành cho xe gắn máy và ô tô, rất nguy hiểm” anh Nguyễn Phan Châu (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ quan điểm của mình trước đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại các thành phố lớn.
 
Sử dụng xe đạp làm phương tiện công cộng có giảm được ùn tắc giao thông?
 
“Đề án này rất hay. Phát triển xe đạp công cộng sẽ giúp bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan giao thông thân thiện. Dịch vụ xe đạp công cộng thật sự tiện lợi với những quãng đường ngắn. Nếu chúng ta muốn đi dạo quanh hồ Gươm, hoặc khám phá phố cổ thì sử dụng một chiếc xe đạp là lựa chọn tối ưu”, chị Huyền (ở Đà Nẵng) nói.
 
Độc giả Phan Ngọc cho rằng, mục đích phát triển phương tiện vận tải công cộng là để giảm các phương tiện cá nhân, nay cho thuê xe đạp để đi tiếp thì vẫn là xe cá nhân còn chiếm dụng đường nhiều hơn xe máy vì thời gian đi trên đường lâu hơn, không chở thêm trên xe đạp được người thứ 2, thứ 3. Vậy thì để đi xe máy sẽ giảm ùn tắc hơn.
 
Bài toán về đường đi riêng cho xe đạp
 
Đa phần người dân cho rằng, đề án trên khó có thể thực hiện được tại Việt Nam cho dù những lợi ích mà việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng là rất nhiều. Cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được mục đích này.
 
“Tôi nghĩ biện pháp đầu tư cho thuê xe đạp không khả thi mà còn làm rối loạn giao thông phố phường. Muốn xe đạp giảm được ùn tắc giao thông, cần phải xây dựng đường riêng cho loại phương tiện này”, độc giả Thùy An phản đối đề án trên.
 
Muốn phát triển mô hình giao thông xe đạp công cộng, cũng phải tính toán đường đi cho phương tiện này.
 
Độc giả Phạm Dũng cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên là cơ sở hạ tầng kém, nguyên nhân thứ 2 là ý thức của người dân. Còn xe đạp, xe máy hay ô tô đi chăng nữa thì vẫn tắc đường nếu như 2 nguyên nhân trên không được khắc phục”.
 
“Xe đạp cũng là phương tiện cá nhân, đi xe đạp không thể giảm ùn tắc giao thông. Vấn đề là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiên công cộng phải phát triển như xe buýt, tàu điện ngầm…”, anh Nguyễn Hùng cho rằng sử dụng xe đạp không thể giảm ùn tắc giao thông.
 
“Theo tôi, đề án này không khả thi so với nhu cầu của người dân hiện nay. Đơn cử, nếu muốn thuê chiếc xe đạp để đi, lại phải gửi xe máy hoặc ô tô, vừa mất tiền gửi xe, vừa mất tiền thuê xe, như vậy là lợi ích của người dân chưa được đảm bảo”, độc giả Trần Văn Khánh chia sẻ.
 
“Nếu muốn phát triển xe đạp thành phương tiện giao thông công cộng, cũng cần tính toán đến làn đường riêng dành cho phương tiện này. Nếu để xe đạp cùng tham gia giao thông với các phương tiện khác, thì mục đích giảm ùn tắc giao thông sẽ không đạt được. Hơn nữa, các nhà quản lý cần phải tính toán đến các bãi đỗ xe, gửi xe. Đó cũng là một vấn đề lớn khi quỹ đất tại các khu vực trung tâm thành phố ngày càng bị thu hẹp” một người dân chia sẻ quan điểm của mình trước đề án.
 
“Giá phải rẽ, dịch vụ phải tốt, xe phải được bảo trì thường xuyên, có phân đường riêng và quan trọng phải đi chung với dịch vụ môi trường thì mới hiệu quả và giải quyết được nhiều bài toán” một độc giả hiến kế cho đề án trên.
 
Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn liệu có phải là giải pháp hợp lý để giải bài toán ùn tắc giao thông như hiện nay?.
 
 
Theo VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo