Tin tức - Sự kiện

Thị trường Angola: Cửa đã mở

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tìm giải pháp để khai thác thị trường lao động Angola. Tới đây, sẽ thí điểm để người lao động được sang Angola làm việc theo đường chính thống.
(VGPNews) - Tìm cách gỡ rào cản 

Lý giải nguyên nhân vì sao Việt Nam chưa đưa lao động đi Angola theo đường chính ngạch, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, không phải Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không thấy Angola là thị trường tiềm năng hay muốn đặt rào cản doanh nghiệp mà bởi giữa Angola và Việt Nam chưa có Hiệp định lao động để làm cơ sở pháp lý cung ứng lao động một cách chính thống.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là đặc thù tiếp nhận và sử dụng lao động nước ngoài của thị trường Angola khác với các quy định của luật pháp Việt Nam về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, tất cả các thị trường cho phép doanh nghiệp đưa lao động sang đều thực hiện ký hai loại hợp đồng: Hợp đồng dịch vụ ký với doanh nghiệp đưa lao động đi và hợp đồng với chủ sử dụng trực tiếp. Trong khi đó, tại thị trường Angola, người lao động không ký trực tiếp với chủ sử dụng, mà công việc do công ty môi giới tại Angola tìm kiếm và đưa lao động tới làm. Công ty Việt Nam ký hợp đồng với công ty môi giới này. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu lao động sang thị trường Angola chọn môi giới không chuẩn thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động đúng như cam kết đã ký.

Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động đã từng đi khảo sát nhu cầu lao động tại Angola cho biết, đặc thù của thị trường Angola hơi khác với các thị trường truyền thống nhưng vẫn có thể thích ứng được.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thể cho phép các doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực thực sự tham gia thị trường. Các doanh nghiệp này cần tìm được đối tác thích hợp và phải có bản cam kết với lao động về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt và có trách nhiệm đảm bảo đủ mọi quyền lợi cho người lao động. Nếu chủ sử dụng thực hiện thiếu, doanh nghiệp đưa lao động đi phải bù cho người lao động. Với những điều khoản rõ ràng, người lao động sẽ được bảo hộ và an toàn hơn nhiều so với tình trạng đi “chui” như hiện nay.

Thí điểm đưa lao động “chính ngạch”

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu Lao động thông tin tới các doanh nghiệp đang quan tâm đến thị trường Angola. Các doanh nghiệp đã thống nhất chỉ ký hợp đồng đưa lao động đi khi đảm bảo các điều kiện: Có hợp đồng cung ứng lao động bảo đảm chủ sử dụng lao động có tư cách pháp nhân và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài, trực tiếp sử dụng người lao động khi họ sang làm việc tại Angola; người lao động được bảo đảm về việc làm và thu nhập ổn định, các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động và các điều kiện sinh hoạt cơ bản khác theo pháp luật của Angola và Việt Nam; có phương án quản lý lao động trong thời gian làm việc tại Angola; doanh nghiệp phải trực tiếp sang Angola khảo sát điều kiện việc làm, ăn ở trước khi đưa lao động sang.

Hiện một số doanh nghiệp đã báo cáo hợp đồng lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola thẩm định doanh nghiệp tại Angola và các điều kiện hợp đồng để sớm triển khai trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục vận động và thúc đẩy phía Angola ký kết thỏa thuận về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola và ký kết thỏa thuận nhằm hợp thức hóa số người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Angola.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, đầu tháng 6 sẽ có một đoàn công tác của Bộ sang Angola để tìm hiểu và trao đổi với Angola cách thức quản lý cộng đồng Việt Nam tại đây để vừa bảo hộ vừa tạo địa vị pháp lý cho người lao động. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an phối hợp với phía bạn giải quyết các vấn đề về tội phạm, việc lập các hội, đoàn người Việt tại Angola.

Cách thức để đi đến ký kết hiệp định về hợp tác lao động giữa hai nước sẽ phải tuân thủ quy trình. Phía đề nghị ký kết hiệp định phải trình hồ sơ qua con đường ngoại giao (thông qua Đại sứ quán Angola tại Việt Nam).

Đại sứ Angola tại Việt Nam sẽ chuyển hồ sơ kiến nghị về nước. Khi nhận được hồ sơ, Chính phủ Angola sẽ thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu vấn đề Việt Nam kiến nghị. Sau đó, nhóm công tác của Angola sẽ làm việc với nhóm công tác của Việt Nam để đi đến thống nhất trước khi trình lên Chính phủ hai nước. Hiệp định sẽ được ký thông qua phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ.





Thu Cúc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo