Thị trường bán lẻ ngày càng nóng
Từ cuối năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam đón nhận làn sóng phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp (DN) hiện hữu và sự gia nhập của các “đại gia” nước ngoài. Tốc độ gia nhập, phát triển sẽ gia tăng nhiều hơn, cùng với đó là sự luân chuyển vốn, công nghệ, hàng hóa… Năm 2015 được xem như cột mốc đánh dấu thị trường bán lẻ Việt Nam mang vóc dáng mới: Hiện đại hơn, tính kết nối cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn, đa dạng hơn của người tiêu dùng.
Phải giữ uy tín thương hiệu
Theo Sở Công Thương TP HCM, đã xuất hiện dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong bán lẻ nhưng không nghiêm trọng. Luật pháp liên quan đến cạnh tranh đã có những quy định cụ thể, đủ sức quản lý, điều hành cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, DN bán lẻ đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, trình độ và năng lực tài chính để xây dựng uy tín thương hiệu.
Vì vậy, trong quá trình cạnh tranh phải tính toán giữ thương hiệu, không thể vì mục tiêu lợi nhuận mà coi thường việc bảo vệ, giữ gìn uy tín thương hiệu. Nếu DN cạnh tranh trái quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ can thiệp; trường hợp chưa tới mức đó thì cũng sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, làm ảnh hưởng đến thương hiệu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP HCM:
Khó ở thủ tục đầu tư
Quy định của nhà nước cho hoạt động bán lẻ tương đối ổn, đặc biệt các quy định về cạnh tranh. Cái khó nhất hiện nay là về thủ tục đầu tư. Một dự án đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị đòi hỏi nhiều vấn đề từ mặt bằng, sử dụng đất như thế nào, xây dựng ra sao, phòng cháy chữa cháy... liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành.
Tại TP HCM, vẫn chưa thống nhất được một bộ quy trình cụ thể để hướng dẫn các nhà đầu tư. Chúng tôi đang nỗ lực liên hệ với các sở, ngành để tính toán, tới đây tham mưu cho UBND TP HCM ban hành quy trình đầy đủ, công khai để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Big C Việt Nam:
Cam kết giá rẻ
Từ nhiều năm nay, Big C trung thành với chính sách “giá rẻ cho mọi nhà”. Giá rẻ không chỉ là chính sách mà là cam kết của chúng tôi với người tiêu dùng. Trong năm 2015, Big C tiếp tục phối hợp với nhà cung cấp làm sao xây dựng chuỗi cung ứng trên cơ sở hợp lý hóa chi phí, đẩy mạnh thêm cam kết giá rẻ. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và hàng phi thực phẩm, để khách hàng có nhiều chủng loại với giá tốt nhất.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op:
Liên kết tạo sức mạnh
Thị trường tiếp nhận ngày càng nhiều nhà đầu tư mới, nhiều DN lớn cùng chia nhau khai thác “miếng bánh” bán lẻ thì cơ hội cho những DN nhỏ ngày càng ít đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta để quá nhiều DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này rơi rụng thì sẽ không có nhiều mầm non để nuôi dưỡng thành DN lớn. Bản thân DN vừa và nhỏ dẫn dắt thị trường nhiều hơn.
Khoan nói đến chuyện tại sao các DN này rơi rụng cũng như mức độ ảnh hưởng như thế nào, trong bối cảnh hiện nay, để tồn tại và cạnh tranh, DN nào cũng cần dựa trên thế mạnh căn bản, trên năng lực cốt lõi của mình; gia tăng hơn nữa sự liên kết, hợp tác với nhau trong kinh doanh cũng như chia sẻ nguồn lực để cùng phát triển tốt hơn. Chính sự liên kết hợp tác sẽ giúp DN chuyên môn hóa, mỗi DN đều được phân công để phát huy thế mạnh của mình, trong phân khúc riêng của mình. Nói cách khác, trong cái “bánh” to hơn sẽ có đủ thị phần cho mọi DN cùng phát triển. Saigon Co.op rất muốn hợp tác với các đối tác để trao đổi, phát triển các nguồn lực và phát huy thế mạnh của nhau, hướng đến mục đích chung là mang lại nhiều lợi ích hơn cho DN, người tiêu dùng và cho cả cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh