Thị trường bán lẻ: Sự vươn lên của doanh nghiệp Việt
Lâu nay các cụm từ “thị trường bán lẻ thua tại sân nhà” hay “thị trường bán lẻ trước nguy cơ bị thôn tính bởi các doanh nghiệp ngoại”… được nhiều người nhắc đến như một thói quen mà quên rằng, từng bước các doanh nghiệp Việt của chúng ta đang vươn lên từng ngày.
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã từng bước xâm nhập thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình. Hiện nay nhiều thương hiệu bán lẻ trong nước đã phát triển và khẳng định được vị thế trên thị trường.
Điển hình là hệ thống Saigon Co.op với tổng số 71 siêu thị (29 siêu thị tại TPHCM và mở rộng ra các tỉnh trong toàn quốc là 42 siêu thị) cùng với gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food. Ngày 19/10 tới đây, Saigon Co.op chính thức khai trương đưa vào hoạt động siêu thị Co.op Mart Hạ Long vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, nâng tổng số tổng siêu thị trên toàn quốc lên con số 72 siêu thị.
Tại hệ thống của Saigon Co.op có 30.000 mặt hàng các loại. Trong năm 2013, tỉ lệ hàng Việt đạt mức hơn 90%, tỉ lệ hàng Việt trong thực phẩm đạt 95% và đạt 21 ngàn tỉ đồng doanh thu từ hàng Việt. Hiện nay, với việc cung cấp hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó có 200.000 bữa ăn và 250.000 tấn hàng bình ổn bán cho hơn 300.000 lượt khách hằng ngày, Saigon Co.op trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và đứng trong tốp 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á-Thái Bình Dương (do tạp chí bán lẻ châu Á bình chọn năm 2014).
Hệ thống siêu thị online Golmart, một trong những thương hiệu kinh doanh trực tuyến thành công hiện nay, bên cạnh bán hàng online đã phát triển được 500 đại lý bán hàng offline là các tiểu thương chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và hệ thống bán hàng online 24/24. Tìm đến phân khúc thị trường là các tiểu thương, Golmart mở rộng kênh phân phối hiện đại nhắm vào đối tượng truyền thống với hơn 10.000 mặt hàng từ thực phẩm đến đồ điện tử gia dụng.
Ngoài ra, còn rất nhiều thương hiệu Việt đang dần tìm được chỗ đứng và phát triển tại thị trường bán lẻ hiện đại như hệ thống Ocean Mart của Tập đoàn Đại Dương với 8 siêu thị và đại siêu thị; Maximark có 5 siêu thị trên toàn quốc với hơn 30.000 mặt hàng khác nhau...
Đặc biệt, có những phân khúc trong thị trường tiêu dùng được các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh hoàn toàn. Điển hình là lĩnh vực điện máy, DN trong nước gần như đã chiếm lĩnh thị trường với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng và ngày càng gia tăng về số lượng siêu thị cũng như chất lượng phục vụ như Nguyễn Kim (22 cơ sở), Pico (6 cơ sở), Trần Anh (11 cơ sở)… Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến hết tháng 8/2014 đã có thêm 40 cơ sở phân phối điện máy hiện đại được thành lập trên cả nước.
Chuyên nghiệp hóa để chiếm lĩnh thị trường
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ nên còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại phát triển.
Năm 2015 là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Đặc biệt, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.
Vì vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sức ép cạnh tranh bán lẻ đang từng ngày đè nặng lên DN sản xuất và DN phân phối trong nước. Do đó, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ của chúng ta sẽ còn phải làm nhiều việc để chiếm lĩnh “sân nhà” rộng và sâu hơn nữa.
Theo đó, phát triển mạng lưới, xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng sẽ là những bước đi mà các DN Việt cần tập trung trong quá trình phát triển thị trường. Trong đó, chuyên nghiệp hóa dịch vụ phải là một giải pháp đầu tiên mang tính chiến lược mà các DN Việt cần chú trọng.
Bên cạnh đó, bản thân các DN trong nước phải có ý thức nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí ở thị trường nội địa bằng cách chuyên nghiệp các hình thức phân phối như: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về giá, chủ động nguồn hàng và ngày càng đa dạng các mặt hàng, thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi…
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng tính chuyên nghiệp, chủ động của nhà phân phối hiện đại, Saigon Co.op đã tự sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng mang nhãn hiệu Saigon Co.op hoặc liên kết với những DN sản xuất trong nước hoặc các địa phương.
Đồng thời, để tăng năng lực cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại, Saigon Co.op đa dạng hóa, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng như hệ thống Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Trung tâm thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…
Nhằm dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (nơi thị trường bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ hơn 90%) Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược xâm nhập vào những thị trường nói trên bằng các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết với giá cả bình ổn phù hợp với thu nhập của người dân.
Riêng Maximark tuy không phát triển nhanh về số lượng nhưng lại tập trung vào nâng cao chất lượng, sự đa dạng của các dịch vụ trong chuỗi cung ứng, mở rộng quy mô của từng siêu thị, hợp tác với những nhà sản xuất trong nước (từ các hàng nông sản thực phẩm tới hàng tiêu dùng) với tiêu chí duy trì ổn định về chất lượng và giá cả; hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim lại tập trung vào đa dạng hóa các mặt hàng và chuyên nghiệp hóa chế độ hậu mãi, khuyến mãi…
Ngoài các nỗ lực của DN, theo bà Vũ Kim Hạnh, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao, các DN trong nước cần được hỗ trợ về tín dụng, nguồn vốn, thuế để tạo đà cho những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối. Ngoài, cần có các biện pháp, chế tài nghiêm ngặt và mạnh mẽ với các hành vi gian lận thương mại nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để bảo vệ DN làm ăn chân chính.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo