Thị trường chứng khoán lao dốc: “Án oan” mang tên Thông tư 36?
Thị trường chứng khoán đổ dốc trong những ngày qua và mọi tội lỗi được dồn lên Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, với quy định giới hạn sở hữu chéo tối đa được quy định là 5%. Liệu rằng, có một nỗi oan đằng sau những lời “buộc tội” của giới đầu tư đối với thông tư này hay không?
Cơn ác mộng ập xuống nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán những ngày qua như cơn ác mộng đổ lên đầu các nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index đã tuột từ mốc trên 640 điểm đầu tháng 9/2014 xuống chỉ còn hơn 518 điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12. Theo đó, gần như toàn bộ số điểm tích lũy được trong giai đoạn từ tháng 5/2014 đến tháng 9/2014 đã bốc hơi gần hết.
Đặc biệt, trong giai đoạn đi xuống hơn 3 tháng qua, thị trường đã có 4 lần phục hồi bất thành. Lần đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 9, sau một nhịp giảm điểm, chỉ số VN-Index tưởng chừng đã trở lại giai đoạn phục hồi, nhưng khi VN-Index trở lại mốc 620, thì quay đầu giảm điểm sâu hơn đáy cũ.
Tiếp đó, khi VN-Index rơi về mốc 580 điểm, thị trường đã có một nỗ lực phục hồi nhẹ lên 600 điểm, nhưng mốc cản này trở nên quá kiên cố, khiến chỉ số của sàn TP.HCM sớm quay đầu đi xuống.
Ngoài ra, thị trường tiếp tục có 2 đợt phục hồi nữa diễn ra giai đoạn cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 và giai đoạn trong tuần đầu tháng 12. Tuy nhiên, áp lực bán ra mạnh, khiến các đợt hồi phục đều thất bại.
Từ tuần thứ hai của tháng 12 đến nay, bầu không khí trên thị trường càng trở nên u ám, VN-Index tuột dốc gần như không còn lực cản, VN-Index đã tuột mất hơn 10% chỉ trong 1 tuần và đang về mốc 520 điểm.
Hiện tại, nhiều quan điểm đang đổ dồn vào Thông tư 36 với những nội dung được nhiều nhà đầu tư cho là bất lợi cho thị trường chứng khoán.
Tâm điểm Thông tư 36
Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, với quy định giới hạn sở hữu chéo tối đa được quy định là 5%. Một số nhà đầu tư cho rằng, quy định này như một “gáo nước lạnh” đổ lên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, với thực tế hiện nay, rất nhiều ngân hàng thương mại đang nắm giữ cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác vượt khung so với quy định trên. Giới đầu tư lo ngại các ngân hàng sẽ phải “xả hàng” để đáp ứng quy định của cơ quan quản lý và bài toán rất nan giải đặt ra đối với thị trường chứng khoán là, ai sẽ là người hứng đống cổ phiếu khổng lồ trên?
Ngoài quy định về giới hạn sở hữu chéo, Thông tư 36 còn quy định về khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của ngân hàng tại doanh nghiệp. Theo đó, mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào một số doanh nghiệp được phép góp vốn cũng không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
Chưa hết, văn bản này còn có nội dung quy định các ngân hàng muốn cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu phải có nợ xấu dưới 3% và một hạn chế nữa là tổng khoản cho vay đó không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Việt Thành, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, để đáp ứng quy định này, nhiều hợp đồng tín dụng cho vay mua cổ phiếu khi đến hạn sẽ không được gia hạn hoặc ký tiếp nữa. “Điều này đồng nghĩa với việc, không ít nhà đầu tư đang vay tiền sẽ phải bán cổ phiếu để trả nợ ngân hàng”, ông Thành nói.
Áp lực chỉ trong ngắn hạn
Mặc dù thị trường chứng khoán đang đứng trước những áp lực ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tương lai trung và dài hạn là hoàn toàn sáng sủa, chứ không tăm tối như nhiều nhà đầu ta đang lo ngại.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chia sẻ, các yếu tố cơ bản của thị trường hiện tại đều đang có chiều hướng tốt lên và năm 2015 sẽ là thời điểm phục hồi.
Để bảo vệ quan điểm trên, ông Dũng cho biết, hiện hoạt động của các công ty chứng khoán và các công ty niêm yết đều đang theo xu hướng tốt dần lên. Trong khối các công ty chứng khoán, năm nay, đã có khoảng 50% công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, tỷ lệ này tăng đáng kể so với con số 2/3 số công ty chứng khoán thua lỗ trong năm ngoái.
Trong khi đó, ông Dũng cho rằng, yếu tố nền tảng của nền kinh tế đang có tín hiệu thoát đáy khá rõ ràng.
Bình luận về những tác động của Thông tư 36, ông Dũng cho rằng: “Những tác động tiêu cực của Thông tư 36 đối với thị trường là chưa rõ ràng. Đây là vấn đề khá phức tạp, nhiều khía cạnh chưa được mổ xẻ, các thông tin cập nhật hiện cũng chưa đầy đủ”.
Ngoài ra, một số nhà quan sát cũng cho rằng, khi Thông tư 36 có hiệu lực từ tháng 2/2015, cũng sẽ không có ngay một làn sóng “xả hàng” từ các ngân hàng. Bởi lẽ, tuy thực tế hiện nay có nhiều ngân hàng đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khác vượt tỷ lệ so với quy định của Thông tư 36, nhưng Thông tư chỉ áp dụng từ thời điểm hiệu lực.
Điều này có nghĩa là, với những tồn tại do lịch sử để lại, các ngân hàng có thể chủ động giải quyết dần dần, chứ không bị “ép” phải thực hiện ngay bằng mọi giá trước khi Thông tư 36 có hiệu lực vào tháng 2/2015.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo