Thị trường đồ chơi trẻ em "ế ẩm" cận ngày Tết Thiếu nhi 1/6
Ảm đảm thị trường đồ chơi
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, là dịp để các bậc phụ huynh quan tâm, chăm sóc con em mình sau một năm học với nhiều bộn bề, lo toan.
Hưởng ứng dịp này, những ngày qua, thị trường đồ chơi quà tặng trẻ em đã bắt đầu nhộn nhịp. Tuy nhiên, sức mua năm nay được cho là giảm so với những năm trước. Dạo quanh một vòng các phố tại Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Bông, Cầu Giấy… có thể thấy một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đã bắt đầu đông khách hơn những ngày thường.
Năm nay, vì thời tiết nóng bức nên đa số các bậc phụ huynh chọn buổi tối để đưa con em mình đi mua sắm đồ chơi. Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là một lý do khiến sức mua cũng bị hạn chế phần nào, hoặc nhiều bậc phụ huynh cũng đã lên kế hoạch đi du lịch cùng các con.
Theo khảo sát của PV, giá cả các sản phẩm đồ chơi năm nay cũng không chênh lêch đáng kể so với các năm trước. Tại các cửa hàng năm nay mẫu mã các mặt hàng cũng hết sức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, theo thông tin từ các chủ cửa hàng đồ chơi cho biết sức mua ở thời điểm hiện tại sức mua chỉ rơi vào khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước.
Chị Hoài Anh, một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, thị trường đồ chơi dịp 1/6 năm nay khá ảm đạm, vào những thời điểm này của các năm trước cửa hàng luôn tấp nập người đến mua hàng, không chỉ bậc phụ huynh mà các cơ quan, trường học, thậm chí là nhiều khách hàng đến để mua biếu, làm quà rất tấp nập.
Năm nay cửa hàng cũng chỉ nhập các sản phẩm phù hợp với sở thích của trẻ em, giá cả thì vừa phải , giao động từ vài chục nghìn đến 1-2 triệu đồng.
Cũng theo thông tin từ các tiểu thương cho biết, nguyên nhân dẫn tới sức mua năm nay giảm so với sức mua cùng kỳ năm trước là do nhiều cha mẹ lo lắng các chất độc hại trong đồ chơi Trung Quốc. Nhiều cha mẹ đồng ý mua đồ rồi tuy nhiên khi nhìn thấy tem, nhãn có dán chữ Trung Quốc thì lập tức trả lại ngay.
"Đọc báo nhiều thấy nhiều bà mẹ mua đồ chơi Trung Quốc cho con. Sau khi con chơi thì bị ngứa, bệnh tật nên sợ chả dám mua đồ chơi nữa. Năm nay, gia đình tôi xin nghỉ để đưa cháu đi du lịch biển vài ngày cho con được thoải mái chứ không mua đồ chơi nữa", một vị phụ huynh cho hay.
Siêu thị dùng nhiều "chiêu trò" để kéo khách
Theo quan sát của PV, tại các siêu thị, trung tâm thương mại mắc dù các siêu thị đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, tuy nhiên tình hình mua sắm ở các khu vực bán đồ chơi trẻ em cũng không mấy khả quan.
Tại siêu thị Big C với chương trình khuyến mại “ngày hội trẻ thơ”, “cơn lốc công nghệ” với chương trình khuyến mại giảm tới 49% đối với các sản phẩm là đồ chơi trẻ em, thời trang cho các bé…
Còn tại siêu thị Co.op mart cũng đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mại như “rộn ràng tết thiếu nhi” và “giải nhiệt mùa hè” với các chương trình khuyến mại giảm giá lên tới 50% cho hơn 1600 sản phẩm.
Tại một số siêu thị khác đều tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn nhân dịp 1-6 tuy nhiên, lượng khách đến mua hàng vẫn không nhiều.
Tuy nhiên, mặc dù đã dùng đủ mọi "chiêu trò" nhưng tình trạng khách đến mua đồ chơi với không mấy khả quan. Đại diện các siêu thị cho hay, đợt khuyến mãi này ngoài việc dành riêng cho trẻ nhỏ, vẫn phải kết hợp với khuyến mãi nhiều mặt hàng khác như đồ uống, thực phẩm, hóa mỹ phẩm…để kéo người mua đến, lý do được đưa ra là sức mua đồ chơi cho trẻ hiện khá thấp...
Đại diện các cửa hàng kinh doanh cũng tiết lộ rằng chỉ một số mặt hàng được trẻ em ưa thích, một số mặt hàng giúp trẻ phát triển trí tuệ như sách điện tử, máy tính bảng…là được ưa chuộng.
Có thể thấy, mặc dù thời điểm dịp Tết thiếu nhi đã đến gần, song sức tiêu thụ các mặt hàng đồ chơi trẻ em vẫn có dấu hiệu ảm đạm, khi nền kinh tế đang chịu cảnh "thắt lưng buộc bụng", người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Chính vì vậy, theo giới kinh doanh, các cửa hàng, siêu thị phải đẩy mạnh bán sản phẩm hàng hóa trong nước, giảm giá để cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài là cách để các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước thu hút người tiêu dùng, tránh tình trạng ảm đạm thị trường kéo dài như hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao