Thị trường fast food: Nhà cung cấp nội khó chen chân
Trở thành nhà cung cấp (NCC) cho một thương hiệu thức ăn nhanh (fast food) quốc tế ngoài đạt được giá trị về thương hiệu, doanh nghiệp (DN) sẽ có những đơn hàng lớn, ổn định, cơ hội phát triển mở rộng quy mô theo thương hiệu đó. Song những tiêu chuẩn gắt gao, các đòi hỏi chất lượng sản phẩm ổn định, có sự đầu tư… đã khiến DN nội khó tham gia trong cuộc chơi này.
80%-90% nguyên liệu thức ăn nhanh đều nhập
Đại diện Subway Việt Nam cho biết mô hình cửa hàng là nhượng quyền nên hầu hết nguyên liệu Subway Việt Nam sử dụng theo tiêu chuẩn Subway tại Mỹ. Phần lớn nguyên liệu tại Subway Việt Nam đều phải nhập. Ví dụ trong 10 loại rau phải nhập đến ba, bốn loại, sốt, bánh mì cũng nhập. Chỉ một ít nguyên liệu lấy từ NCC nội địa nhưng cũng phải được Subway tại Mỹ đồng ý. “Chúng tôi không tìm được NCC trong nước vì chất lượng sản phẩm không ổn định” - đại diện Subway Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành Mc Donald’s Việt Nam, chia sẻ: “Ngoài rau tươi, bánh mì đã lấy từ NCC nội địa, hiện nay Mc Donald’s đã có được NCC trứng Việt Nam. Nhưng phải mất cả năm trời để tìm được NCC đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Trứng được rửa sạch qua một hệ thống dây chuyền, sau đó vỏ được tráng một lớp dầu để bảo quản”.
Còn thương hiệu Lotteria vào Việt Nam khoảng 17 năm, nguyên liệu được mua từ NCC trong nước. Hiện bột để ướp gà phải nhập từ Thái vì giá thấp. Bột ướp Việt Nam không đáp ứng được độ giòn, màu khi rán lên không đảm bảo yêu cầu. “Khi mở cửa hàng đầu tiên chúng tôi có lấy thịt bò của Việt Nam nhưng độ mỡ không đồng đều. Chúng tôi không tính được tỉ lệ mỡ bao nhiêu nên khi một cái bánh hoàn thành chất lượng không đạt. Sau đó chúng tôi quyết định xây nhà máy, nhập bò Úc về” - đại diện Lotteria cho hay.
Tự đánh mất hay bị mất cơ hội?
Hiện nay tỉ lệ DN Việt cung cấp cho các chuỗi thức ăn nhanh không nhiều trong khi nếu tham gia sẽ có nhiều lợi thế. Phải chăng DN nội địa tự đánh mất cơ hội trong sân chơi này?
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia thương hiệu, phân tích thực tế DN Việt hoàn toàn có đủ tiềm lực để đầu tư vào thị trường nguyên liệu dành cho những thương hiệu ăn nhanh quốc tế. Vấn đề là khả năng thuyết phục có đủ tốt hay không, có khiến những thương hiệu fast food quốc tế đủ tin cậy để đặt hàng bao tiêu sản phẩm với hợp đồng dài hạn hay không. Trên thực tế, với nguồn nguyên liệu, nhân lực bản địa cùng dây chuyền sản xuất tại quốc gia bản địa, NCC nội địa có nhiều lợi thế.
Chuyên gia thương hiệu Phạm Việt Anh cho biết không phải DN Việt không có đủ khả năng cung cấp nguyên liệu. Việt Nam có nhiều DN đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu… thì không lý do gì không thể tham gia cung cấp nguyên liệu cho chuỗi thức ăn nhanh.
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win Win, lý giải DN thức ăn nhanh cho rằng khó tìm NCC Việt là vì họ muốn PR nguồn nguyên liệu nhập hoàn toàn hơn là tìm NCC. Nếu DN đó yêu cầu đối tác phải đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, khi NCC nội địa đã đạt được 6-7 điểm thì họ cần hỗ trợ để đạt tối đa 10 điểm. Hoặc có thể họ đã có chiến lược về nguồn cung ổn định rồi nên cách này cách khác, DN Việt cũng khó chen chân vào. Vì vậy, DN thức ăn nhanh cần hỗ trợ, hướng dẫn, thiện chí mới giúp DN nội có cơ hội trở thành NCC cho DN fast food.
Một số chuyên gia khác cho rằng DN fast food quốc tế đơn giản là đưa ra những yêu cầu về mặt chất lượng. DN nội địa từ đó phải có giải pháp để làm sao tạo ra sản phẩm phù hợp với chất lượng mà người mua yêu cầu. Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu DN cần phải tự trang bị nghiên cứu, tự biết cách thuyết phục đối tác, như vậy mới cạnh tranh bình đẳng trong một thế giới phẳng.
Ngại đầu tư vì chi phí cao, sợ rủi ro
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win Win, cho rằng DN rất muốn trở thành NCC cho các chuỗi thức ăn nhanh vì có nhiều cái lợi. Mà muốn vậy DN phải đầu tư nhưng tự đầu tư thì chi phí cao và rủi ro nên DN ngại.
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng phân tích DN Việt đầu tư vào chuỗi cung ứng đối với đối tác fast food quốc tế cần phải nhìn vào thương hiệu và khả năng mở rộng của thương hiệu đó như thế nào. Dây chuyền sản xuất ra sản phẩm có thể cung ứng cho bao nhiêu thương hiệu có sản phẩm tương tự. Ví dụ ngoài việc sản xuất burger và cung cấp bánh cho McDonald’s, DN có thể làm ra những sản phẩm theo yêu cầu để bán cho Burger King, Subway hay Carl Jr… Như vậy DN có thể tự tin để không quá phụ thuộc vào một thương hiệu và chủ động hơn trong việc sản xuất, kinh doanh.
Một số DN thức ăn nhanh cho biết quan trọng nhất là NCC phải chuyên nghiệp. NCC có tâm huyết muốn hợp tác nhưng có thoát khỏi cách bán hàng truyền thống không. Dù đầu tư máy móc tốt rồi nhưng về kỹ thuật, bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm cần phải có kiến thức về thức ăn nhanh, vừa giám sát chất lượng vừa có thể kết hợp với khách hàng để sáng tạo sản phẩm mới.
Không phải là khó tìm NCC Việt mà do cách tìm của những thương hiệu lớn. Các DN nội lại không biết cách để tiếp cận. Đồng thời luật của Việt Nam không bắt buộc DN thức ăn nhanh phải sử dụng NCC địa phương.
Ông ROBERT TRẦN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ