Thị trường

Thị trường hàng hóa sắp quay lại kịch bản khủng hoảng 2008?

(DNVN) - Giá hàng hóa đồng loạt giảm mạnh trong đó nhiều loại hàng hóa rơi vào thị trường giá giảm. Tình trạng này giống như những gì đã xảy ra sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào năm 2008.

8 trong số 22 hàng hóa thuộc chỉ số hàng hóa của Bloomberg giảm ít nhất 20% từ mức đỉnh thiết lập gần đây, hay nói cách khác là rơi vào thị trường giá xuống. Trong đó, đáng chú ý là giá dầu thô và giá vàng. Bốn hàng hóa gồm ngô, khí tự nhiên, lúa mỳ và gia súc chật vật để thoát khỏi thị trường giá xuống do vấn đề thời tiết và nguồn cung.

Các quỹ phòng hộ ngày càng bi quan về thị trường hàng hóa. Các quỹ này đã giảm một nửa lượng đặt cược giá hàng hóa tăng kể từ đầu năm, và dự đoán giá dầu và vàng sẽ giảm tiếp.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thô cũng đang chịu nhiều áp lực từ việc đồng USD mạnh lên và việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Yếu tố Trung Quốc có tác động rất lớn lên thị trường hàng hóa toàn cầu.

Hiện tại, chưa có yếu tố nào cho thấy cuộc khủng hoảng giá hàng hóa hiện tại sẽ sớm được giải quyết.
Hiện tại, chưa có yếu tố nào cho thấy cuộc khủng hoảng giá hàng hóa hiện tại sẽ sớm được giải quyết.

Năm 2009, khi các ngân hàng trung ương phương Tây chật vật giải quyết những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trong hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu, chương trình kích cầu với trọng tâm chính là xây dựng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đưa ra lập tức cứu giá hàng hóa tăng trở lại.

Năm đó, Trung Quốc công bố một gói kích cầu lớn chưa từng có. Hàng loạt con đường mới, sân bay mới, đường ray xe lửa mới, và hàng triệu căn nhà mới được xây dựng.

 Chương trình ngay lập tức đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng vọt. Nó làm lợi cho cả những công ty sản xuất, cung cấp hàng hóa ở Trung Quốc cũng như nhiều nước khác.

Thế nhưng nhu cầu hạ tầng cũng có giới hạn, các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng không thể kéo dài mãi. 6 năm sau, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc bong bóng nhà đất.

Ngoài yếu tố Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng một loạt yếu tố khác vốn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã không còn mạnh như trước nữa.

 

Nguồn cung dư thừa cũng có nhiều tác động khiến giá hàng hóa sụt giảm. Các công ty cung cấp hàng hóa phải tranh giành nhau thị phần trong một thị trường đang thu hẹp về quy mô.

Sản lượng ngành thép tăng quá cao ở thời điểm nhu cầu không tăng tương xứng, sự dư thừa không thể tránh khỏi. Các công ty sản xuất đồng đã dành quá nhiều vốn đầu tư khai thác những mỏ mới, sản lượng tháng sau liên tục cao hơn tháng trước. Họ tính toán nhu cầu sẽ tăng rất cao, nhưng thực tế không lạc quan như vậy.

Nay, việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng giá hàng hóa hiện tại, xét trên nhiều phương diện, dường như còn hóc búa hơn rất nhiều so với thời điểm 2008 - 2009.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng giá hàng hóa năm 2008 đã nhanh chóng được giải quyết nhờ gói kích cầu của Trung Quốc và chương trình hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ nhiều nước phương Tây. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đang chững lại, Trung Quốc cũng sẽ không thể đưa ra gói kích cầu nào như trước đây.

Cùng lúc đó, nguồn cung trên thị trường hàng hóa không thể điều chỉnh trong ngắn hạn sau khi các công ty đã đầu tư mạnh tay để khai thác. Các quỹ đầu tư phương Tây liên tục rút tiền khỏi thị trường.

 

Thu Phương (Theo Bloomberg)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo