Thị trường mở giúp ngân hàng vượt cú sốc?
Từ đầu năm đến nay, thị trường này đã đạt những thành công đáng kể khi trở thành công cụ chủ chốt để Ngân hàng Nhà nước bơm hút tiền kiểm soát cung tiền và lạm phát.
Điều hoà bơm - hút
Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường OMO hoạt động mạnh nhất là vào tháng 8 sau “sự cố” bầu Kiên của Ngân hàng Á Châu (ACB). Đợt đó, nhằm đảm bảo thanh khoản cho ACB cũng như một số ngân hàng liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm ròng” tới hơn 10,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 8. Phải chờ cho tâm lý lo lắng dịu xuống, cơ quan này mới quay ngược liên tiếp “hút ròng”.
Ngay khi thị trường có tin đồn thất thiệt liên quan đến nhân sự ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chuyển trạng thái từ “hút” sang “bơm” ròng trên OMO chủ động hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng tránh những cú sốc có thể xảy ra.
Việc sử dụng mạnh tay nghiệp vụ này được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lý giải: trong hệ thống ngân hàng nhiều tổ chức tín dụng dư tiền nhưng lại không đẩy vốn ra được mà vẫn phải trả lãi tiền gửi của người dân.
Trong khi lại có một số ngân hàng thương mại nhỏ thiếu thanh khoản. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây bất ổn trong hệ thống. Chính vì vậy, dựa trên tình hình dư tiền tại các ngân hàng thương mại lớn, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu với lãi suất hấp dẫn để hút lượng vốn khả dụng dư thừa từ các ngân hàng thương mại lớn.
Lượng tiền thu về được sau khi các ngân hàng thương mại mua tín phiếu có thể được Ngân hàng Nhà nước điều hòa trở lại cho các ngân hàng thương mại nhỏ thiếu thanh khoản qua biện pháp tái cấp vốn. Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại nhỏ không phải tìm mọi cách huy động vốn trên thị trường 1, 2.
Cụ thể hơn với nghiệp vụ mua kỳ hạn (reverse repo), tuần này từ 14 đến 18-11, Ngân hàng Nhà nước bơm 1.407 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 8%/năm.
Như vậy, kể từ sau khi bơm hơn 5.396 tỷ đồng (lớn nhất kể từ ngày 22/8/2012) để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng do sự kiện thay đổi nhân sự tại Sacombank, lượng vốn bơm ra qua nghiệp vụ repo giảm mạnh và ổn định trở lại.
Hơn thế, lãi suất lại thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động, cho thấy thanh khoản của nhiều tổ chức tín dụng đang dư thừa.
Giúp ngân hàng vượt cú sốc
Sự “bơm – hút” linh hoạt nhịp nhàng trên thị trường OMO của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua được giới chuyên môn khen khá đều tay. Một chuyên gia ngân hàng nhận xét, năm 2012 là năm thị trường OMO hoạt động sôi động nhất trong vài năm trở lại đây.
“Xét trên bình diện về thông tin, có lẽ lâu rồi những thông tin về thị trường OMO mới được quan tâm nhiều đến vậy. Bởi người ta thường quan tâm đến thị trường 1 (huy động tiền gửi từ dân cư) và thị trường 2 (tiền gửi từ các doanh nghiệp, tổ chức) mà quên đi rằng bản chất tiền gửi điểm nhấn lớn nhất là thước đo niềm tin.
Còn giao dịch “bán buôn” trên thị trường OMO, mới là tấm lá chắn an toàn cho nền kinh tế”_ Vị này nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu thì ví von thị trường OMO như “van nước” hay “chốt” chặn của nền kinh tế điều tiết lượng tiền ra vào trong lưu thông. Sự bơm hút linh hoạt nhịp nhàng trên OMO không chỉ giúp Ngân hàng Nhà nước điều tiết vốn một cách hiệu quả, mà còn hỗ trợ quan trọng trong kiềm chế lạm phát.
“Từ đầu năm đến nay, việc bơm – hút một cách nhịp nhàng linh hoạt trên thị trường OMO của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã giúp cho hệ thống ngân hàng vượt qua những cú sốc an toàn”- Ông Hiếu khẳng định.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2012 là một trong những năm hoạt động trên thị trường OMO đạt hiệu quả nhất khi trở thành công cụ chủ chốt để Ngân hàng Nhà nước bơm hút tiền kiểm soát cung tiền và lạm phát.
Ông Nghĩa lấy dẫn chứng, Ngân hàng Nhà nước mua xấp xỉ 10 tỷ USD, đồng nghĩa với việc bơm một khối lượng tiền khổng lồ gần 200 nghìn tỷ đồng ra thị trường.
Nhưng thay vì chỉ hút ròng qua thị trường OMO mà Ngân hàng Nhà nước còn hút tiền về qua phát hành tín phiếu không những trung hòa được khối lượng tiền VND trên thị trường mà còn giúp kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thị trường liên ngân hàng và thị trường mở đều chung nhiệm vụ hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Tuy nhiên, nếu thị trường OMO là thị trường bán buôn giữa “ông chủ” là Ngân hàng Nhà nước và các “con buôn” là ngân hàng thương mại thì giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là bán sỉ khi các tổ chức tín dụng đi vay và cho vay lẫn nhau. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng công cụ chủ chốt OMO khá thành công. Nhưng để được coi là chốt chặn trong kiềm chế lạm phát, các “sản phẩm” giao dịch trên thị trường OMO cần đa dạng hơn.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động