Tin tức - Sự kiện

Thị trưởng người Việt ở Mỹ: 'Nhiều bạn trẻ thất bại vì thiếu kỹ năng mềm'

"Thành công của một người được quyết định bởi 25% trình độ chuyên môn, bằng cấp; 75% còn lại là kỹ năng mềm", ông Phạm Đình Nguyên, thị trưởng người Việt đầu tiên ở Mỹ khẳng định trong buổi giao lưu mới đây cùng hàng trăm bạn trẻ ở TP HCM.

Câu chuyện thành công của Thị trưởng Phạm Đình Nguyên truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ  trong việc chủ động trang bị những kỹ năng mềm để nắm bắt những cơ hội thăng tiến. Ảnh: NVCC


 Trong không khí trò chuyện cởi mở, ông Nguyên bày tỏ nỗi lo trước thực trạng nhiều sinh viên Việt Nam mới ra trường bị nhà tuyển dụng từ chối không phải do năng lực chuyên môn yếu kém mà chỉ vì thiếu kỹ năng mềm. Một số công chức đang làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng đánh mất cơ hội thăng tiến vì kém ngoại ngữ, khả năng giao tiếp. Ngay cả các sếp cũng phải tạm gác công tác quản lý để đi học kỹ năng mềm, đặc biệt là tiếng Anh tại chức...

Một khảo sát trên 350 doanh nghiệp của trang JobStreet, Cổng thông tin tuyển dụng hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương, ghi nhận: Chỉ 7,07% sinh viên được đánh giá tiếng Anh tốt, 52,19% khá, 40% còn lại chỉ thành thạo đọc và viết chứ chưa thể giao tiếp. Sau các kỳ thực tập, đa số doanh nghiệp đều nhận xét sinh viên còn thiếu các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm…

Một nghiên cứu khác cho thấy thành công của một người được quyết định bởi 25% trình độ chuyên môn, bằng cấp, 75% còn lại là những kỹ năng mềm mà họ được trang bị. "Tuy nhiên đa phần bạn trẻ Việt Nam chưa ý thức được điều này nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tỏa sáng. Có sinh viên học tốt các môn trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong hàng trăm bạn, chỉ có một số ít đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng", ông Nguyên nói.

Thông thường, để được tuyển vào một vị trí nào đó, điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có kỹ năng cứng, tức là kiến thức chuyên môn. Ví dụ, một kế toán trưởng phải thành thạo việc kiểm tra chứng từ, báo cáo thuế, quyết toán chi phí. Một chuyên viên công nghệ thông tin phải nắm rõ cách vận hành hệ thống mạng, hệ điều hành, bảo trì. Các kỹ năng này có thể kiểm tra tại chỗ hoặc qua bằng cấp.

Song song đó, thái độ đối với công việc được coi là một trong những yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định có chọn ứng viên hay không. Thái độ đó bao gồm sự sẵn sàng đối với công việc, sẵn sàng học hỏi, ý chí cầu tiến, không ngại khó khăn. Trong quá trình làm việc, ứng viên sẽ được nhà tuyển dụng tái đánh giá chất lượng qua kỹ năng ngoại giao, ngoại ngữ, thiết lập quan hệ xã hội, đàm phán xuyên văn hóa. Thực tế, những kỹ năng mềm này đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công bền vững của một cá nhân bên cạnh kiến thức chuyên môn, đặc biệt đối với những người muốn tự mình làm chủ doanh nghiệp.

Theo ông Nguyên, kỹ năng mềm bao gồm khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng, khả năng lãnh đạo, sáng tạo, đổi mới, hoạch định chiếc lược. Các trường đại học trên thế giới rất chú trọng việc đào tạo kỹ năng này, song ở Việt Nam đa phần chỉ dừng lại ở những buổi học kỹ năng ngoại khóa "cưỡi ngựa xem hoa". Từ đó dẫn đến tình trạng sinh viên yếu hoặc thiếu các kỹ năng mềm cần thiết khi ra trường. Ngay cả với các cán bộ đoàn hội, tình trạng thiếu kỹ năng mềm cũng thể hiện rõ trong ứng xử hay thuyết trình trước đám đông nên hiệu quả công việc chưa cao.

Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng học tập và lao động của giới trẻ Việt Nam, thị trưởng Phạm Đình Nguyên từng chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng không thể xin vào làm việc trong một công ty nước ngoài chỉ vì thiếu tiếng Anh. Một số bạn khác đã được nhận vào làm nhưng chỉ ở vị trí "nhân viên quèn" với mức lương tương đương lao động phổ thông...

Ông Nguyên cho rằng thế hệ lao động trẻ Việt Nam đang gặp phải những rào cản về ngôn ngữ, kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường đa quốc gia. Thậm chí tiếng Anh là công cụ thiết yếu trong thời đại hôm nay thì một phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn không thể sử dụng thành thạo.

"Đặc biệt năm 2015 Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng Kinh tế ASEAN, chúng ta sẽ chứng kiến việc mở rộng thị trường và nguồn vốn, dịch chuyển lao động tự do giữa các nước. Cơ hội đó có thực sự dành cho giới trẻ Việt Nam khi các bạn hoàn toàn bị động và ngơ ngác trước những diễn biến hội nhập sôi động ở các nước láng giềng? Khi đó nguy cơ lao động nước ngoài tràn vào Việt Nam là hiển nhiên", ông nói.

Trong khi chờ đợi các nhà quản lý giáo dục nghiên cứu phương thức đưa giáo dục kỹ năng mềm vào trường học, thị trưởng người Việt đầu tiên ở Mỹ cho rằng bản thân sinh viên nên chủ động và ý thức trang bị cho mình những kiến thức này. "Không bao giờ là quá muộn để tự trang bị những kỹ năng mềm cho mình bằng cách đọc sách, tìm hiểu tài liệu, học hỏi từ những tấm gương thành đạt. Riêng đối với ngoại ngữ, các bạn cần chủ động hơn nữa, đừng chỉ học để thi đạt điểm cao mà phải vận dụng được trong quá trình giao tiếp hàng ngày thì mới đạt hiệu quả", ông Nguyên nhắn nhủ.

 

 

VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo