Thị trường

Thị trường quảng cáo: Nước ngoài chiếm lĩnh

Hầu hết các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam chỉ làm đại lý cấp hai cho công ty nước ngoài và đang giẫm đạp nhau để giành đất sống

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), ngành quảng cáo Việt Nam mới chính thức ra đời hơn 20 năm nay nhưng phát triển nhanh chóng. Năm 2005, doanh thu của ngành quảng cáo là 5.000 tỉ đồng, đến năm 2011 là 20.000 tỉ đồng, bao gồm các lĩnh vực quảng cáo truyền hình, quảng cáo trực tuyến, báo chí, quan hệ công chúng (PR), tổ chức sự kiện (event)… Trong đó, doanh thu từ quảng cáo truyền hình, báo chí chiếm đến 70% - 80%.

 

Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh

 

Sự hấp dẫn của thị trường dịch vụ quảng cáo Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, trong đó doanh nghiệp nước ngoài hoặc chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài không nhiều, với khoảng 30 doanh nghiệp.
 

Trong 5.000 doanh nghiệp nói trên, chỉ vài trăm doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa là quảng cáo, chủ yếu sống nhờ vào quảng cáo ngoài trời (chiếm 4% doanh thu toàn ngành) và làm gia công, cung ứng dịch vụ quảng cáo. Ngoài một số ít doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa là công ty quảng cáo chuyên nghiệp, đại đa số doanh nghiệp còn lại tập trung vào mảng tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng…

 

Theo ông Đỗ Kim Dũng, Phó Chủ tịch VAA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam (ARTI), nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài chiếm đến 75% - 80% thị phần toàn ngành. Điều này vừa đúng vừa không đúng bởi các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài làm chiến lược quảng cáo cho khách hàng, hưởng 10%-15% tổng chi phí và đặt hàng, phân phối lại cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện.
 
Các tập đoàn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo một doanh nghiệp quảng cáo có quan hệ hợp tác, liên kết lâu năm với mình. Hiện năm tập đoàn quảng cáo lớn trên thế giới là WPP, Omnicom, Dentsu, Publics, Interpublic đã có mặt tại Việt Nam.

Bán cổ phần cho nước ngoài


Không thể trực tiếp cạnh tranh với các công ty nước ngoài, một số doanh nghiệp quảng cáo trong nước đã chọn con đường hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Chẳng hạn, Đất Việt đã bán cổ phần cho WPP.
Quảng cáo Trẻ cũng đã bán cổ phần cho một công ty thuộc tập đoàn quảng cáo lớn ở Trung Đông. Công ty Quảng cáo An Tiêm cho biết cuối năm nay sẽ ký liên doanh với 1-2 công ty nước ngoài.
Theo các doanh nghiệp, việc hợp tác là tất yếu vì thông qua hợp tác, phía Việt Nam được tăng cường vốn, học hỏi được kinh nghiệm chuyên môn và khai thác thêm khách hàng của các công ty nước ngoài.
Dĩ nhiên, trong cuộc chơi này, nếu doanh nghiệp Việt Nam không vững vàng, không đủ mạnh thì nguy cơ bị thôn tính là khó tránh.

 

 
Các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam sẽ chọn hợp tác với những công ty này. “Một vài công ty quảng cáo Việt Nam cũng có thể lên kế hoạch chiến lược cho khách hàng nhưng do chưa đủ tầm và lực, trình độ chưa đáp ứng nên chưa dám nhảy vào lĩnh vực này hoặc có làm hoạch định chiến lược thì lợi nhuận thu về không cao” - ông Đỗ Kim Dũng cho biết.
 

Giật gấu vá vai

 

Theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch VAA, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Quảng cáo Trẻ, ngành quảng cáo Việt Nam còn rất non trẻ, doanh nghiệp trong nước còn hạn chế về năng lực và vốn nên không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, các DN quảng cáo Việt Nam quay ra cạnh tranh gay gắt với nhau để giành đất sống. Từ đầu năm 2012 đến nay, kinh tế khó khăn, hầu hết khách hàng đã cắt giảm khoảng 20% chi phí quảng cáo.
 
Trong khi đó, để giành được mặt bằng ngoài trời, các công ty quảng cáo trong nước đua nhau nâng giá thuê, đẩy giá chung tăng ít nhất 10%. Ngoài ra, còn có tình trạng nhân viên làm việc ở các công ty quảng cáo sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm đã ra lập công ty riêng và cạnh tranh với chính doanh nghiệp cũ dựa trên các mối quan hệ khách hàng trước đó, đồng thời không ngần ngại phá giá. Đã có không ít doanh nghiệp quảng cáo rơi rụng, vỡ nợ...
 
Theo giám đốc một công ty quảng cáo lớn, ngay cả lĩnh vực quảng cáo trên các kênh truyền thông đại chúng cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước.
 
Thông thường, giá dịch vụ của doanh nghiệp quảng cáo theo tiêu chuẩn quốc tế ở mức hơn 17% giá trị hợp đồng nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chào vài %; thậm chí có doanh nghiệp không thu phí dịch vụ mà còn giảm giá cho một số công đoạn trong hợp đồng. Giá quá thấp buộc doanh nghiệp phải cắt xén đủ thứ, giảm chất lượng để có lợi nhuận… Đó là chưa kể đến tình trạng ăn cắp ý tưởng lẫn nhau giữa các công ty quảng cáo.
 
Với kiểu làm ăn như vậy, một số doanh nghiệp quảng cáo trong nước đang tự “giết” nhau. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài vẫn giữ nguyên giá, phí dịch vụ, tăng chất lượng nên ung dung phát triển mà không phải tốn mất sức để cạnh tranh.
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo