Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng
Ngày 22/5 tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm "Tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng" với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cùng hơn 50 khách mời từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đơn vị tổ chức buổi Tọa đàm, thị trường tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao. Điều này thể hiện nỗ lực của các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng trong việc đưa ra những sản phẩm phù hợp, phục vụ "nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn" về tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đặt ra các yêu cầu cấp thiết về việc phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng sản phẩm… Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền cần phải nâng cao một bước nữa để cộng đồng xã hội và người tiêu dùng hiểu rõ bản chất và vai trò quan trọng của tài chính tiêu dùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, trong đó các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng phải đóng vai trò chính yếu.
Tại Tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã thảo luận về thực trạng, tiềm năng và vai trò của tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng với sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị các giải pháp cần thực hiện để đảm bảo cho tín dụng dụng tiêu dùng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng.
Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"; giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính (CTTC) ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Chỉ tính riêng các CTTC đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng. Bên cạnh, đó các CTTC đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến tháng 4 năm 2017, các CTTC đã có số lượng nhân sự lên đến 40.000 người); trong đó, riêng FE Credit có đến 15.000 nhân viên. Số lượng nhân viên này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo trong xã hội.
Sự phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dù mới nhưng phát triển bùng nổ như vậy sẽ đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào là rất lớn cho các CTTC. Khác với ngân hàng, theo quy định pháp luật hiện hành các công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi từ người dân nên nguồn cung vốn chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế cho nên việc giải quyết vấn đề nguồn vốn của các CTTC là một thách thức rất lớn.
Ngoài hai công ty Home Credit và Prudential Finance là các công ty tài chính có vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào ổn định qua các năm nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn của tập đoàn mẹ ở nước ngoài thì các công ty tài chính còn lại trên thị trường đều phải đương đầu với bài toán nguồn vốn đầu vào phục vụ hoạt động kinh doanh. Để gia tăng nguồn lực về tài chính nhanh chóng cũng như kinh nghiệm quản lý, một số công ty tài chính đã tìm kiếm đối tác chiến lược là các định chế tài chính nước ngoài vốn dĩ đã có hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở các nước phát triển và tiềm lực tài chính mạnh. Điển hình như tháng 4/2015, HD Finance nhận góp vốn đầu tư chiến lược từ tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản), Công ty Tài chính TNHH MTV MB bán lại 49% vốn cho đối tác Shinsei Bank (Nhật Bản) tháng 11/2016.
Theo ông Nguyễn Thanh Phúc – Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động nguồn vốn FE Credit, FE Credit đã đưa ra những chiến lược phát triển bền vững và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Phúc cho biết: "Đồng hành cùng FE CREDIT là hơn 1.000 nhà đầu tư doanh nghiệp trong nước với quy mô hoạt động và ngành nghề rất đa dạng. Bên cạnh đó là sự đồng hành của các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là từ năm 2016 đến nay FE Credit đã vay và giải ngân khoảng 350 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Đó là các khoản vay song phương và vay hợp vốn từ các định chế tài chính như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, khoản vay của FE Credit cũng là khoản vay có giá trị lớn nhất mà Deutsche Bank và Credit Suisse cấp cho một công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam".
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh: "Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các TCTD. Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các TCTD. Mặt khác, cũng vì đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các TCTD, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng".
Để tránh được các rủi ro thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các CTTC.
Ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của dữ liệu thay thế, CIC đã và đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nguồn dữ liệu của mình, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế. Cụ thể, CIC đã tiến hành thu thập các thông tin ngoài ngành ngân hàng từ Trung tâm Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đang triển khai kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cũng như lên kế hoạch thu thập thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong thời gian tới".
Để ngành tài chính tiêu dùng phát triển và nâng chất lượng phục vụ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam) cho rằng: "Trong thời đại cách mạng 4.0, các công ty tài chính cần tận dụng sức mạnh của công nghệ đã để tiến cận và mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay".
"Nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng. Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Tuy nhiên, để có thể cung cấp tín dụng tiêu dùng đến các vùng nông thôn, các công ty tài chính cần có những sáng kiến công nghệ mới mẻ mang tính đột phá".
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng, ngoài các CTTC kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, cần thực hiện tốt hơn minh bạch thông tin cho khách hàng thì TS Đỗ Hoài Linh còn nhấn mạnh: "Người tiêu dùng phải hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính tiêu dùng cá nhân thật tốt để giá trị những giao dịch tín dụng tiêu dùng thể hiện được giá trị tích cực. Cần truyền thông cho người dân hiểu hơn về tài chính tiêu dùng bởi hoạt động này là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được lưu thông tốt hơn. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Các CTTC cần coi trọng việc quản trị rủi ro trên các khoản vay, không nên quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá".
Các chuyên gia cũng cho biết NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng, cụ thể ban hành: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng; Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024