Thị trường thuận lợi, xuất khẩu gạo tăng đột biến
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 3/2018 đạt khoảng 524 nghìn tấn, giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường tiêu thụ thuận lợi, chất lượng gạo được nâng cao là hai yếu tố quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng cao của ngành gạo. Ngay trong Quý I/2018, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đối thủ mạnh nhiều năm qua. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, XK gạo đạt 889 nghìn tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu như trong hai tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm với 26,9% thị phần, tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 23,5% thị phần.
Cùng chiều tăng của gạo xuất khẩu, quý đầu năm, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Lúa thường IR50404 tại An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang tăng từ 200 - 300 đồng/kg, hiện phổ biến ở mức 5.300 - 5.400 đồng/kg đối với lúa đông xuân; các loại lúa chất lượng cao cũng tăng từ 300 - 400 đồng/kg tùy loại.
Năm 2018, mục tiêu hướng tới là XK đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu XK chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng XK, song không quá 20%. Hiện nay, dù giá loại gạo này khá tốt nhưng không phải vì cái lợi trước mắt mà đẩy tăng gieo trồng trở lại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ: Về lâu dài, XK gạo cần tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Sau đó phải làm tốt hơn vấn đề thương hiệu, như vậy lâu dài sẽ giữ được giá cao.
Thời điểm hiện nay, lúa đông xuân 2017 - 2018 ở đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ. Thời tiết thuận lợi, nông dân trúng mùa, lúa bán giá cao. Chuyển động thị trường xuất gạo đầu năm bắt nhịp khá tốt.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao giá xuất khẩu đối với hạt gạo nước ta là rất lớn. Đặc biệt, khi mới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu gạo vào các nước tham gia CPTPP. Gạo và phân bón cũng nằm trong nhóm được xóa bỏ thuế ngay sau khi ký hiệp định.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang được nỗ lực hoàn thành. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý. Thời gian qua, tổng thể chung để phát triển ngành gạo đã có nhiều giải pháp được đưa ra, xuất hiện những khu vực tư nhân quan tâm đến lĩnh vực chế biến gạo.
Với cách tiếp cận vấn đề từ nhiều phía như chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường… cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, nhất là nhưng tập đoàn lớn, kỳ vọng các khó khăn nội tại của ngành lúa gạo sẽ được giải quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT