Phân tích

Thị trường vật liệu xây dựng trên đường "hồi sinh"

(DNVN) - Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, việc Việt Nam đã hoàn thành và ký kết Hiệp định thương mại TPP, AEC, cùng với thị trường bất động sản đang phục hồi trở lại, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường vật liệu xây dựng. Theo đó, mức tiêu thụ của nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng cao.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường

Theo thống kê của Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), lượng tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, nhưng giá cả vẫn ổn định. Sở dĩ thị trường vật liệu xây dựng tăng trưởng trở lại cùng với sự phát triển của nhiều thị trường khác là do thị trường bất động sản đang ấm lên. Trong 9 tháng năm 2015 tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 52,11 triệu tấn, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 71,4% kế hoạch năm (kế hoạch năm đạt 70-72 triệu tấn).

Ngoài ra, lượng xi măng, clinker xuất khẩu 9 tháng năm 2015 ước đạt 11,85 triệu tấn, bằng 76% so cùng kỳ năm 2014. Dự kiến, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2015 sẽ đạt khoảng 72-74 triệu tấn; lượng xi măng, clinker xuất khẩu năm 2015 dự kiến đạt khoảng 19-20 triệu tấn.

Thị trường vật liệu xây dựng có dấu hiệu khởi sắc.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép các loại trong tháng 9/2015 đạt 990.051 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 5,7% so với tháng 8/2015. Sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ tháng 9/2015 đạt 548.397 tấn, tăng 10,35% so với tháng 8/2015. Nhu cầu tăng nên sản xuất cũng tăng để đáp ứng. Riêng trong tháng 9/2015 sản xuất thép các loại của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đạt 1.230.794 tấn, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014, tăng 3,9% so với tháng 8/2015. Trong đó, sản xuất một số sản phẩm thép có tăng trưởng cao như: thép tôn mạ tăng 28%; thép xây dựng tăng 25%.

Riêng sản xuất thép xây dựng của các thành viên VSA 9 tháng năm 2015 đạt 4.869.204 tấn, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2014, đây có thể coi là mức tăng cao nhất so với mức tăng trưởng bình quân những năm gần đây. Tính chung 9 tháng năm 2015, tiêu thụ thép xây dựng của các thành viên VSA đạt 4.676.504 tấn, tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2014.

Về việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên thế giới đã có từ lâu, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có nhu cầu sử dụng loại vật liệu này khá cao, chiếm tới 70-80%, trong khi đó, Việt Nam vẫn còn sử dụng vật liệu nung với tỷ lệ rất cao (chiếm 90-95% vào những năm trước 2010). Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567 ngày 28/4/2010 (Chương trình 567 và Quyết định 567).

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính là: Gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt, đến năm 2014 đạt khoảng 6,5 tỷ viên QTC/năm, sản xuất đạt 5,4 tỷ viên, chiếm khoảng 25 % so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2014 ước đạt 22 tỷ viên.

Tổng giá trị các doanh nghiệp đã đầu tư tới thời điểm cuối năm 2014 khoảng hơn 6.100 tỷ đồng, trong đó, giá trị đầu tư sản xuất VLXKN nhẹ (bê tông khí chưng áp và bê tông bọt) gần 1.200 tỷ đồng.

 

Hầu hết các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình 567, nên đã có các giải pháp để triển khai tốt Chương trình 567 như: tổ chức hội nghị phổ biến; ban hành chỉ thị; xây dựng lộ trình; kế hoạch phát triển VLXKN và hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Sôi động ở thị trường bán lẻ

Theo khảo sát ở một số cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sức mua tại các cửa hàng vật liệu xây dựng bước sang quý IV/2015 có dấu hiệu tăng mạnh, đặc biệt đối với vật liệu hoàn thiện.

Anh Nguyễn Mạnh Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Nội thất DTH (Hà Nội) cho biết, đây là thời điểm gần cuối năm, nhu cầu hoàn thiện nhà mới đón Tết của người dân tăng cao, nên ngay từ cuối tháng 9, công ty anh đã lên kế hoạch nhập thêm nhiều sản phẩm nội thất để đáp ứng nguồn cung cho khách hàng.

Theo anh Hòa, nếu như cách đây 3 năm, nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng các loại gạch, thiết bị nội thất cao cấp thì thời gian này, đa phần người dân sử dụng các sản phẩm có giá vừa phải, trung bình.

 

Bên cạnh đó, tâm lý khách hàng cũng đã có sự thay đổi, mặc dù một số sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có mẫu mã khá bắt mắt, giá cả thấp hơn hàng sản xuất trong nước, nhưng không còn được ưa chuộng như trước. Trong khi đó, với gạch lát nền, hàng Việt Nam chiếm ưu thế hơn hẳn so với gạch lát của Trung Quốc vì hàng Trung Quốc thường giòn hơn gạch trong nước sản xuất. Các sản phẩm của một số nhà sản xuất có thương hiệu trên thị trường như Prime, Viglacera, Đồng Tâm,… được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Chia sẻ về doanh số bán hàng trong thời gian này, đại diện nhà phân phối sàn gỗ Gia Khiêm (Trường Trinh, Hà Nội), một doanh nghiệp chuyên phân phối gỗ lát sàn nhập khẩu cho biết, kể từ đầu tháng 10 đến nay, lượng tiêu thụ của cửa hàng đã tăng lên gần gấp đôi so với những tháng trước, nên giá cả của một số sản phẩm có tăng nhẹ.

Theo các đại lý vật liệu xây dựng ở khu vực phố Thanh Nhàn, Hai Bà trưng, Hà Nội, để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhiều cửa hàng luôn đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn để chăm sóc khách hàng, như khách hàng chỉ cần gọi điện thoại, cửa hàng sẽ vận chuyển đến tận chân công trình và giảm giá nếu mua với số lượng lớn. Năm nay, do thị trường BĐS có dấu hiệu khởi sắc, nên nhiều nhà sản xuất đã tung ra thị trường nhiều mẫu mới để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các chủ đại lý cũng khuyến cáo, do trên thị trường vật liệu xây dựng có rất nhiều thương hiệu, nên người tiêu dùng muốn chọn được sản phẩm ưng ý cần tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả và chất lượng sản phẩm để có thể vừa tiết kiệm chi phí mà chất lượng công trình đảm bảo.

Nên đọc
Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo