Thị trường xe máy: bão hòa và nguội lạnh
Để đối phó với một thị trường nguội lạnh, nhiều hãng xe đang phải nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu.
Khuyến mãi, giảm giá ít tác dụng
Các chương trình khuyến mãi cùng quà tặng khi mua xe gắn máy được các nhà sản xuất và các đại lý của các hãng xe liên tục công bố trong thời gian qua nhằm kéo khách hàng về với mình nhưng thị trường vẫn không mấy sáng sủa.
Theo các đại lý xe máy của Honda và Yamaha, ngay cả ở thời điểm kinh doanh "nóng" nhất của ngành xe máy như mùa tựu trường, dịp cuối năm, thị trường vẫn không mấy sôi động và có vẻ người tiêu dùng vẫn tiếp tục "thắt lưng buộc bụng." Thời điểm cận Tết được xem là dịp “ăn nên làm ra” của giới kinh doanh xe máy trong nhiều năm trước, nhưng năm nay các hãng xe đều phải đưa ra các chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá bán mà vẫn vắng khách hàng.
Honda Việt Nam, công ty chiếm thị phần lớn nhất trong nước, hiện đang tổ chức chương trình khuyến mãi giảm giá bán với tổng giá trị khuyến mãi đến hơn 97 tỉ đồng. Cụ thể, Honda Việt Nam công bố giảm 500.000 đồng cho khách hàng mua xe Wave RSX và Wave RSX FI, và 1 triệu đồng cho khách hàng mua Air Blade FI và Blade. Chương trình kéo dài đến ngày 18-2 tới được xem là đợt xúc tiến bán hàng lớn nhất của Honda Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó SYM giảm giá đến 2 triệu đồng cho khách hàng mua xe Attila Venus EFI 125, và 1 triệu đồng cho khách mua Attila Elizabeth. Các công ty Suzuki, Yamaha, Piaggio... cũng thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ giá cho khách hàng nhằm thu hút khách.
Các đại lý của các hãng lớn như Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio cho biết việc kinh doanh gần ba năm nay liên tục sút giảm, buộc họ phải “hy sinh” phần chiết khấu để giảm giá trực tiếp cho khách hàng nên không còn lợi nhuận. Theo các đại lý này, hai năm nay phần lớn lợi nhuận của họ không dựa vào lượng xe bán ra mà chủ yếu là từ việc cung cấp dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe.
Ngoài một số mẫu xe như Lead, Vision của Honda hay Exciter của Yamaha còn giữ được "phong độ" có giá bán cao hơn một chút so với giá công bố, thì hiện nay tại TP HCM đa phần các dòng xe không tăng giá, thậm chí còn thấp hơn giá đề xuất của hãng do các đại lý mong muốn đạt doanh số đề ra.
Năm thứ 4 liên tiếp bị giảm
Đến thời điểm này, phần lớn các hãng xe máy đều chưa công bố lượng xe bán ra trên thị trường trong năm qua. Tuy nhiên theo Cục Đăng kiểm, lượng xe máy được cấp đăng kiểm năm 2014 của các doanh nghiệp sản xuất xe máy tiếp tục giảm xuống còn khoảng 2,917 triệu xe. Kết quả này được xem là thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Cụ thể năm 2013 con số là hơn 3,272 triệu xe; năm 2012 là 3,282 triệu xe và năm 2011 là hơn 3,671 triệu xe. Khoảng 90% lượng xe máy tiêu thụ trong năm qua thuộc về 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà trong đó tập trung chủ yếu 5 thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) gốm Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Suzuki Việt Nam và VMEP với thương hiệu SYM. Khoảng 10% thị phần còn lại (272.000 xe) thuộc về 10 doanh nghiệp xe máy nội địa.
Thực tế, việc kinh doanh bị sụt giảm này đã được các nhà sản xuất xe máy dự báo từ vài năm trước. Khi đó các hãng xe giải thích nguyên nhân thị trường tiếp tục khó khăn với lượng bán thấp và cạnh tranh khốc liệt là do các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa có gì sáng sủa. Tuy nhiên, với việc đưa ra nhiều chương trình xúc tiến bán hàng và mẫu xe mới các hãng xe hy vọng thị trường sẽ sáng sủa hơn, nhưng kết quả là hoàn toàn không thể.
Tìm kiếm thị trường xuất khâu
Theo các hãng xe, tổng công suất sản xuất xe máy của Việt Nam hiện nay đạt từ 4,5 - 5 triệu xe/năm trong khi thị trường trong nước chỉ tiêu thụ trên dưới 3 triệu xe/năm, nghĩa là sức tiêu thụ chỉ xoay quanh 60% công suất. Do công suất thiết kế dư thừa, các hãng phải tính đến việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đơn cử như Honda Việt Nam, trong 3 năm qua lượng xe tiêu thụ của công ty ở mức dưới 2 triệu xe/năm, trong khi tổng công suất thiết kế 3 nhà máy của công ty lên đến 2,5 triệu xe/năm. Do đó, ngoài những thị trường truyền thống như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia, Pakistan, Honda Việt Nam còn xuất khẩu sản phẩm đi thị trường Ý, Nhật. Honda Việt Nam cũng có dự định từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy của mình.
Lãnh đạo Piaggio Việt Nam cũng cho biết đang khai thác thêm các thị trường mới sau khi đã xuất khẩu xe tay ga của hãng đi nhiều nước trong khu vực. Kymco cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị trường xuất khẩu khi mới đưa vào hoạt động nhà máy mới ở tỉnh Bình Dương.
Tính đến thời điểm đầu năm 2014, cả nước có hơn 39 triệu xe máy. Như vậy, đối chiếu với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 2-2013, theo đó đến năm 2020 cả nước có khoảng 36 triệu xe máy, thì lượng xe máy đang lưu thông đã vượt gần 4 triệu xe. Thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới này xem ra đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục giảm mạnh về lượng bán ra trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động