DNVN - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên thị trường chứng khoán khiến các công ty chứng khoán "khóc ròng" vì danh mục đầu tư thua lỗ.
Tháng 3/2020 có thể nói là tháng đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index “bốc hơi” tới gần 25% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 mất trên 30% giá trị.
Chỉ số VN-Index đã giảm 31% trong quý I, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/3/2016. Thị trường chứng khoán lao đao, cổ phiếu tụt dốc khiến hàng loạt công ty chứng khoán báo lỗ trong quý I vì tự doanh.
Chứng khoán Rồng Việt lỗ 88 tỷ đồng
Quý I CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đạt hơn 74 tỷ đồng doanh thu nhưng báo lỗ tới 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 21 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt giải trình việc ghi nhận lỗ do hoạt động tự doanh của Công ty bị ảnh hưởng mạnh vì phải trích lập chi phí cho phần chênh lệch giảm giá tài sản tài chính vào cuối kỳ bên cạnh các mảng kinh doanh khác giảm sút.
Trong kỳ khoản chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính của VDSC tăng vọt lên 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là âm gần 12 tỷ đồng.
Các tài sản tài chính ở đây gồm chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết cùng tất cả công cụ phái sinh. Trong đó giá trị cổ phiếu niêm yết của VDSC giảm hơn 86 tỷ đồng sau khi đánh giá lại và cổ phiếu chưa niêm yết giảm hơn 16 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng đầu năm.
Trong danh mục đầu tư của VDSC thì cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng là khoản đầu tư lớn nhất và ghi nhận đánh giá giảm hơn 59 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VDSC cũng đầu tư nhiều vào các cổ phiếu ngân hàng như ACB, VPB, MBB cùng với các cổ phiếu khác như : HPG, DXG, PC1, DRC, GVR, GEX. Đáng lưu ý, cổ phiếu HPG là cổ phiếu duy nhất VDSC đầu tư mà ghi nhận đánh giá tăng dù không lớn. Tuy nhiên giá trị đầu tư vào HPG chỉ hơn 8 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu thì mảng môi giới chứng khoán chỉ đóng góp 20,5 tỷ đồng, tương ứng 27,5% tổng doanh thu. Mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho VDSC là lãi từ các khoản cho vay và phải thu hơn 48 tỷ đồng, chiếm 64% trong cơ cấu còn lại là lãi từ các tài sản tài chính.
Bí ẩn khoản đầu tư hơn 310 tỷ đồng vào cổ phiếu
Bên cạnh Chứng khoán Rồng Việt thì CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI) cũng ghi nhận lỗ “khủng” tới gần 61 tỷ đồng trong khi quý I/2019 lãi tới gần 41 tỷ.
Tương tự như Chứng khoán Rồng Việt thì BSC cũng lỗ nặng do hoạt động tự doanh dù doanh thu môi giới và lãi từ các khoản cho vay cùng phải thu vẫn tăng trưởng.
Với BSC thì doanh nghiệp lỗ tới 102 tỷ đồng khi bán các tài sản tài chính chủ yếu nằm ở các cổ phiếu (PVT, TCM, CTG, VPB…) và khoản đánh giá lại các cổ phiếu chưa và đã niêm yết giảm gần 102 tỷ đồng.
Trong danh mục đầu tư của BSC gồm các cổ phiếu như: REE, FPT, HT1, DPM đều ghi nhận lỗ và khoản đầu tư vào những cổ phiếu khác rất lớn với giá trị hợp lý gần 80 tỷ đồng tại ngày 31/3 nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh chi tiết (giá gốc 105 tỷ đồng). Tại thời điểm đầu năm giá gốc của khoản đầu tư khác này lên tới gần 311 tỷ đồng.
Quý I Chứng khoán BSC đạt 213 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 43% so với cùng kỳ năm 2019 do đẩy mạnh nguồn thu từ bán các tài sản tài chính. Mảng môi giới chỉ đóng góp khoảng 17% vào cơ cấu, bên cạnh lãi từ các khoản cho vay cùng phải thu chiếm khoảng 15%.
Chứng khoán BOS lỗ hơn 100 tỷ đồng đầu tư vào ROS
Một công ty chứng khoán với quy mô nhỏ khác cũng công bố lỗ tới 38 tỷ đồng quý I là CTCP Chứng khoán BOS (tên cũ là CTCP Chứng khoán Artex – Mã: ART), quý I/2019 doanh nghiệp này lãi hơn 4 tỷ đồng.
Trong kỳ khoản lỗ bán cổ phiếu của Chứng khoán BOS lên tới gần 110 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 9 tỷ đồng. Khoản chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản cũng tăng 62% lên 26 tỷ đồng.
Soi kỹ danh mục đầu tư của BOS nhận thấy các cổ phiếu doanh nghiệp đầu tư đều thuộc “họ FLC” như : FLC, ROS, HAI, KLF, GAB cùng các cổ phiếu chưa niêm yết cũng liên quan như cổ phiếu BAV của hãng hàng không Bamboo Airways hay cổ phiếu FHH của FLCHomes.
Trong danh mục thì Chứng khoán BOS đầu tư tới 156 tỷ đồng vào cổ phiếu ROS, chiếm tới 86% cơ cấu danh mục và đây cũng là khoản đầu tư lỗ nhất của Chứng khoán BOS với gần 102 tỷ đồng.
Trái ngược với ROS thì khoản đầu tư vào cổ phiếu GAB lại lãi tới 31,5 tỷ dù giá vốn chưa tới 14 tỷ đồng. Chỉ chưa tới 10 tháng niêm yết cổ phiếu GAB đã tăng gấp hơn 13 lần bất chấp thị trường rung lắc và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Không khó để lý giải việc BOS đầu tư nhiều vào cổ phiếu “họ FLC” là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC từng là cổ đông lớn của BOS và ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp từ trước đến nay đều là người liên quan tới Tập đoàn FLC.
Hoàng Kiều