"Khó khăn lắm mới tìm được quy định cắt giảm điều kiện kinh doanh có ý nghĩa với DN"
DNVN - Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: Vấn đề và kiến nghị” do CIEM tổ chức mới đây.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2018: Có thực chất hay 'con số chỉ là con số'? / Phó Thủ tướng đốc thúc việc rà soát cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh
Tại Hội thảo, TS. Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo rà soát của Chính phủ, tính đến tháng 5/2019, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã đạt thành công bước đầu với con số ấn tượng khi có 29 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành ban hành đã cắt giảm, bãi bỏ gần 3.500 ĐKKD trong tổng số khoảng 6.000 ĐKKD - vượt xa chỉ tiêu của Chính phủ giao. Tuy nhiên, cần xem điều kiện nào chưa thực chất, còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
"Không nên quá chú ý đến số lượng ĐKKD được cắt giảm, vấn đề là phải rà soát cùng các bộ, ngành những ĐKKD nào là rào cản với DN, để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, hạn chế những ĐKKD bất hợp lý. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19 hiện nay có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết", TS. Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Đề cập cụ thể về nội dung này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, về cơ bản, các ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. ĐKKD trùng lặp được cắt bỏ; chuyển ĐKKD sang quản lý theo QCVN, TCVN. Một số ĐKKD được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho DN.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) phát biểu tại hội thảo.
Theo kết quả khảo sát PCI thì ĐKKD vẫn là trở ngại đối với DN. Cụ thể, tỷ lệ DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện trong năm 2018 là 58%, sang năm 2019 giảm xuống còn 48%. Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện trong năm 2018 là 42%, năm 2019 giảm còn 34%.
Nhận xét về mức độ cải cách ĐKKD, bà Thảo cho rằng, việc cải cách này chủ yếu dưới hình thức "đơn giản hóa", ít cắt bỏ. Theo đó, chỉ giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất. Thể hiện dưới hình thức sửa đổi, nhưng nhiều quy định sửa đổi mang tính hình thức hơn là thực chất.
"Cắt bỏ những ĐKKD không có ý nghĩa quản lý, nhưng việc cắt bỏ không thực sự tạo thuận lợi rõ ràng cho DN. Qua rà soát hoạt động cải cách ĐKKD của 15 Bộ, ngành, khó khăn lắm mới tìm được một số nghị định cắt giảm về ĐKKD thực sự có ý nghĩa đối với DN như Nghị định số 25/2018/NĐ-CP về hoạt động in, ĐKKD dịch vụ lưu trú du lịch, ĐKKD đối với việc lập một số loại hình cơ sở giáo dục...", bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Minh Thảo, mặc dù các bộ báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ĐKKD, nhưng chưa có báo cáo đánh giá nào của các bộ về hiệu quả và tác động của cải cách ĐKKD; thiếu giám sát việc tổ chức thực hiện.
"Có thể nói, cải cách ĐKKD đã đạt được một số kết quả nhất định, song vướng mắc, rào cản vẫn còn phổ biến. Kết quả cải cách chủ yếu trên báo cáo hơn là đánh giá hiệu quả thực tiễn", Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực canh tranh CIEM nhận xét.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một thực tế rất đáng lo ngại là các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn sử dụng các giải pháp hành chính để can thiệp vào thị trường, can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, muốn bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp lớn do muốn bảo hộ đã vận động đưa ra những rào cản thị trường để hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp khác. Đây là điều có hại cho người tiêu dùng, gây méo mó thị trường. Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, "đặc biệt cải cách không nên thiên về trình diễn, đưa ra con số, khẩu hiệu hay. Suy cho cùng, khi cải cách thì hiệu quả cho nền kinh tế, lợi ích cho người dân, doanh nghiệp mới là quan trọng nhất".
Với quan điểm cho rằng hoạt động cải cách ĐKKD vẫn còn nhiều dư địa, bà Trần Minh Thảo cần thiết phải tạo đột phá mới về cải cách ĐKKD. Theo đó, cần thay đổi cách thức quản lý Nhà nước về ĐKKD, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Với cách thay đổi này, DN được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về ĐKKD, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước, DN tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về ĐKKD.
Đối với hiệp hội/DN, đại diện CIEM kiến nghị cần đánh giá hiệu quả cải cách ĐKKD dựa trên cảm nhận của DN theo từng lĩnh vực; Chia sẻ thông tin; những vướng mắc khó khăn trong thực hiện quy định về ĐKKD.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo