“Nâng cấp” môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V
Ngành thủy sản đã bước qua khủng hoảng, VASEP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN thủy sản“đón sóng” đầu tư từ Trung Quốc / Ngân hàng công bố đã giải ngân hơn 630 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19
Đây là ý kiến của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5.
Tăng lòng tin vào năng lực chính quyền qua việc chống dịch
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết: Cộng đồng DN Hàn Quốc đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng các DN Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.
“Với môi trường kinh doanh ổn định, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài”, ông Hong Sun khẳng định.
Các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh COVID-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham).Ảnh:VGP/Quang Hiếu. |
Còn ông Funayama Tetsu, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ khâm phục Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo, hạn chế được số người nhiễm bệnh, Việt Nam cũng đạt được những thành tích đáng nể về kinh tế qua các báo cáo về chỉ số vĩ mô trong quý I/2020, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm.
Nếu có những biện pháp phù hợp, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi theo hình “chữ V” sau khi bị hứng chịu thiệt hại do dịch COVID-19.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư FDI, sự đóng góp của các công ty Nhật, cũng như mở rộng hợp tác với các DN tiềm năng của Việt Nam.
Hiệp hội DN Nhật Bản cũng đánh giá cao việc triển khai hành động sáng kiến chung giữa 2 nước mà đại diện phía Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục trao đổi các sáng kiến.
Việc trao đổi sáng kiến chung từ 2 phía này tạo điều kiện để DN Nhật Bản có thêm cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu Eurocham Nicolas Audier cũng đánh giá cao các biện pháp thời gian qua để bảo vệ các DN, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp DN duy trì kinh doanh trong mọi hoàn cảnh.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu Eurocham Nicolas Audier tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Quang Hiếu. |
Ông Nicolas Audiernhận định, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu.
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần chú ý “không chỉ hỗ trợ DN trong nước mà còn các DN nước ngoài - những nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của đất nước khi nền kinh tế khôi phục trở lại.
"Việt Nam có thể tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công tư không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn bộ ASEAN." – đại diện Hiệp hội DN châu Âu Eurocham Nicolas Audier gợi ý.
Tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác đầu tư quốc tế
Bên cạnh việc đánh giá cao việc chống dịch, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như vị thế mới của Việt Nam, đại diện các Hiệp hội DN nước ngoài cũng đưa ra một số khuyến nghị.
Ông Funayama Tetsu cho rằng: Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Việt Nam cũng đang trải qua 1 năm đầy thách thức khi phải thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch nhưng vẫn phải kịp thời khôi phục và phát triển kinh tế. Các DN Nhật mong muốn Chính phủ thường xuyên duy trì kênh đối thoại, bao gồm các góp ý chính sách giai đoạn “hậu COVID-19” theo các chủ đề để tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Đại diện các DN Nhật kiến nghị đơn giản hoá các thủ tục, cho phép nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho các trường hợp lao động đặc biệt.
“Các nguồn nhân lực chất lượng từ nước ngoài có thể góp phần bảo đảm giúp hoạt động các DN, đóng góp các DN khôi phục kinh tế cần thiết. Cần bảo đảm tính hợp lệ cho việc gia hạn các giấp phép lao động mới tại Việt Nam”, ông Funayama Tetsu góp ý.
Còn ông Hong Sun cho rằng đề nghị để hỗ trợ các DNFDI, trong đó có DN Hàn Quốc một cách hiệu quả trở lại sản xuất kinh doanh sau dịch.
“Chính phủ nên xem xét nối lại đường bay với những nước đã cơ bản đã khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động... có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới. Phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định”, Phó Chủ tịch Korcham kiến nghị.
Trao đổi thêm về bài học thành công, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nhận định: Công tác chống dịch của Việt Nam cho thấy một trong những bài học rất quan trọng là sự công khai, minh bạch. Chính phủ, DN, người dân đã tận mắt chứng kiến, khi các quy trình được công khai, minh bạch sẽ có sức thuyết phục rất lớn. Mọi người đều đồng lòng tham gia và tuân thủ các biện pháp chống dịch, mặc dù chi phí để tuân thủ rất cao nhưng khi họ nhận thức được đây là lợi ích chung trong đó có lợi ích của mỗi người, mỗi DN thì họ sẵn sàng chấp hành nghiêm chỉnh.
Các DN Hoa Kỳ hết sức ấn tượng với tầm nhìn, chủ trương, sự quyết đoán, quyết tâm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đứng hàng đầu, từ góc độ cam kết của các nhà lãnh đạo, những người ra quyết sách cao nhất.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN . Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Dù vậy, ông Thành cũng thẳng thắn chỉ ra điểm yếu lớn của Việt Nam là triển khai các cam kết, các chủ trương lớn của lãnh đạo trong toàn hệ thống đến các bộ ngành, địa phương. Ví dụ, lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã sớm xác định yêu cầu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch là bức xúc, cấp thiết. Nhưng đến nay nhiều dự án điện lớn chưa được phê duyệt. “Vấn đề này rất phức tạp, đòi hỏi Bộ Công Thương, ngành điện lực, Bộ Tài chính phải ngồi lại, đặt mình vào địa vị của DN để gỡ từng vướng mắc”, ông Vũ Tú Thành nói.
Hiện thời cơ rất thuận lợi là hiện Chính phủ Hoa Kỳ đã dành ra khoản ngân sách hơn 100 tỷ USD, ít nhất trong 12 tháng tới bắt đầu từ tháng 5 để hỗ trợ các đối tác của các DN Hoa Kỳ có thể vay vốn để thực hiện các hợp đồng với các DN Hoa Kỳ. “Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà đầu tư của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nguồn vốn này, chúng tôi có thể hỗ trợ”, ông Thành cam kết.End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?