'Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp'
Đây là thông điệp của ông Johan Langerock, Chuyên gia về chính sách thuế, Tổ chức Oxfam đưa ra tại Diễn đàn 'Chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam - Hướng tới một hệ thống thuế công bằng' do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức sáng 13/11/2019 tại Hà Nội.
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm mạnh trong nửa đầu tháng 9 / "Doanh nghiệp nên chủ động công khai các mặt hàng bị làm giả"
Theo chuyên gia Johan Langerock: Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Trên thực tế, trong những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của quốc gia.
"Việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đáng nói nhất là xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia", ôngJohan Langerock chia sẻ.
Một số báo cáo đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tập trung vào 10% dân số giàu nhất thế giới. Ông Johan Langerock lý giải, một trong những lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi, nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị bỏ qua.
Ông Johan Langerock, Chuyên gia về chính sách thuế, Tổ chức Oxfam phát biểu tại Diễn đàn.
"Một điều chắc chắn là các chính sách chi tiêu qua thuế đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia và thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn", chuyên gia nhìn nhận.
Ông Johan Langerock cho biết, một số phân tích cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan Nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế.
"Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn. Theo OECD, tổn thất doanh thu ngân sách ước tính hàng năm là 1% GDP, tương đương trên 50.000 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng ta có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện mới với quy mô 1.000 giường tại Việt Nam. Khi nguồn thu ngân sách từ thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế, hay giáo dục cho người dân bị cắt giảm", chuyên gia phát biểu.
Oxfam tin rằng, Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Theo một khảo sát gần đây của Grant Thorton về triển vọng cổ phần tư nhân tại Việt Nam, 69% số câu trả lời coi sự gia tăng thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam; 60% cân nhắc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; và chỉ 13% coi ưu đãi và trợ cấp của Chính phủ là yếu tố quan trọng nhất.
Nhìn ở bình diện rộng hơn, chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia. Oxfam cũng quan sát thấy một cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho doanh nghiệp giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỷ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức.
Với phân tích trên, đại diện đưa ra hai khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam. Một là loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Hai là với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề cạnh tranh về thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.
"Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam", ông Johan Langerock kết luận.
Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2019 là sự kiện lớn nhất trong năm của Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ) là nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, giới truyền thông nhằm cùng thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng trong lĩnh vực tài khóa của Việt Nam hiện nay.
Nguyệt Minh (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo