Thị trường

4 sáng kiến giúp Việt Nam dẫn dắt ASEAN phát triển bền vững

Tại Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về phát triển mô hình doanh nghiệp hướng tới người thu nhập thấp (IB) diễn ra mới đây, các nước đã đưa ra 4 sáng kiến lớn giúp Việt Nam dẫn dắt thành công ASEAN phát triển bền vững trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020.

Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về phát triển mô hình doanh nghiệp (DN) hướng tới người thu nhập thấp diễn ra trong khuôn khổ hội nghị ASEAN 35 tại Thái Lan do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Liên hợp quốc tổ chức.

Dự Hội nghị có đại diện 10 nước Đông Nam Á, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mạng lưới iBan và các tổ chức quốc tế khác.

Khai mạc hội nghị, đại diện ESCAP nhấn mạnh mô hình IB là một trọng tâm chính giúp cộng đồng ASEAN phát triển bền vững hướng tới người thu nhập thấp, phụ nữ và thanh niên đến tuổi lao động.

Khung cảnh khai mạc Hội nghị ASEAN lần 2 về phát triển mô hình IB. (Ảnh: Hoàng Lân)

DN sở hữu mô hình IB là DN tạo lợi ích thiết thực cho người thu nhập thấp kể cả khi họ là cổ đông, lao động hay người tiêu dùng. DN đạt được các tiêu chí về Đổi mới sáng tạo, xu hướng tăng trưởng và trách nhiệm xã hội sẽ được hỗ trợ về chuyên gia, tài chính và đối tác kinh doanh.

Theo ESCAP, hiện đã có 6 nước thành viên triển khai nghiên cứu mô hình IB gồm Philippines, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, Philippines đã triển khai hệ thống đánh giá DN và có chính sách thuế để khuyến khích DN chuyển đổi.

Myanmar đã có chiến lược phát triển IB, trong khi Campuchia dự tính sẽ đưa ra định hướng riêng vào năm 2020. Indonesia đã hoàn thành nghiên cứu thị trường và đang lên kế hoạch cho ngành du lịch sức khỏe. Malaysia và Việt Nam mới gia nhập và đang tìm hiểu những khía cảnh căn bản của IB.

Tại Hội nghị, các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình IB ở quốc gia mình. Chẳng hạn như tại Philippines chính phủ thành lập một hội đồng quốc gia về IB bao gồm các Bộ ngành và Hiệp hội DN. Trong đó, các Hiệp hội DN đóng vai trò quyết định vì là bên trực tiếp đánh giá; gửi báo cáo lên hội đồng xét duyệt; và trực tiếp tư vấn, hỗ trợ giải pháp cho DN.

Đại diện các nước chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Lân).

Về phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang phối hợp cùng Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá thị trường và tìm kiếm DN khả thi cho dự án. Đến nay, đã có 19 DN tiềm năng và sẵn sàng tham gia chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, nước ta chưa có khung pháp lý cho IB nên giải pháp hợp lý nhất hiện nay là triển khai thí điểm và tiến tới bổ sung vào luật.

Đại diện Việt Nam cho biết sẽ đề xuất chính phủ bổ sung mô hình IB vào chương trình phát triển bền vững Quốc gia và kêu gọi các Hiệp hội DN cùng tham gia xây dựng đề án cụ thể với 2 mục tiêu trước mắt gồm: hoàn thiện nghiên cứu thị trường và xây dựng hệ thống đánh giá DN.

Tại phiên thảo luận tổ, các nước đã đưa ra 4 sáng kiến lớn giúp Việt Nam dẫn dắt thành công ASEAN phát triển bền vững trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020, bao gồm: Đưa mô hình IB và đổi mới sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 vào chương trình nghị sự; thành lập hệ thống đánh giá doanh nghiệp IB cấp khu vực; Hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược; và hỗ trợ châu Phi đạt mục tiêu Thiên niên kỷ.

Các nước bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm xuất sắc vai trò đầu tàu và cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ vì một mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển và chủ động thích ứng.

Các nước thảo luận ý tưởng giúp Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Hoàng Lân)

Kết luận Hội nghị, Trưởng đoàn Liên minh châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình phát triển bền vững tại Đông Nam Á bằng chuyên gia, tài chính và đối tác thương mại. Trong năm 2021, châu Âu mới triển khai hỗ trợ ngân sách do đó Việt Nam phải chủ động nguồn lực trong giai đoạn khởi điểm để thực hiện 2 mục tiêu đã đề ra.

ESCAP đánh giá Việt Nam rất cởi mở tiếp nhận những ý tưởng của bạn bè quốc tế, vì vậy Liên hợp quốc sẽ cử chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến hỗ trợ nước ta giải quyết các bỡ ngỡ ban đầu.

Hoàng Lân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo