88% người tiêu dùng quan tâm đến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
DNVN - Đây là con số đáng chú ý được bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sáng 02/8 tại Hà Nội.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, sau 10 năm triển khai và thực hiện, cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
"Qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng Việt Nam đã có ý thức hơn trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, vận động người thân, gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt", bà Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.
Dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, trong đó đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc tính đến tháng 6 năm 2019, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động cho biết: 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó, “Rất quan tâm” là 53% và “Quan tâm có mức độ” là 35%; số người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động này” chiếm tỷ lệ thấp 12 %.
So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ “rất quan tâm” đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%); Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ “rất quan tâm” của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).
Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo kết quả khảo sát, 67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”.
Đánh giá về kết quả này, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng đây là kết quả ấn tượng dù chưa ở mức cao, qua đó cho thấy kết quả nhất định của Cuộc vận động sau 10 năm triển khai và thực hiện.
So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng đã có sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).
Có 61% người được hỏi cho biết: Nguồn thông tin chủ yếu của người dân về Cuộc vận động qua Đài Truyền hình Việt Nam; các nguồn thông tin khác đều ghi nhận tỷ lệ dưới 50%.
So với kết quả điều tra năm 2014, có thể thấy: Đài Truyền hình Việt Nam vẫn là nguồn thông tin chủ yếu để người dân nắm thông tin về Cuộc vận động (năm 2014 là 67%); tỷ lệ nắm bắt thông tin về Cuộc vận động qua “Báo điện tử, trang thông tin điện tử, Internet, mạng xã hội” tăng đáng kể (năm 2014 là 39%; năm 2019 là 49%, tăng 10%); tỷ lệ nắm thông tin qua “Báo, Tạp chí in” giảm mạnh (năm 2014 là 45%; năm 2019 là 35%, giảm 10%).
Đa số người được hỏi cho rằng khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa, họ thường quan tâm đến các yếu tố: “Chất lượng” (85%); “Giá cả” (74%); “Độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng” (68%); “Nguồn gốc xuất xứ (sản xuất từ nước ngoài) của sản phẩm” (56%). Một bộ phận đáng kể (49%) quan tâm đến “Thương hiệu” của sản phẩm. Chỉ có 15% quan tâm đến “Mức độ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng” của sản phẩm.
So sánh kế quả điều tra với năm 2014, có thể thấy, các nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng mua sắm, về cơ bản ít có sự thay đổi, chủ yếu vẫn tập trung vào ba nhóm hàng là “Nông sản, rau quả”; “Các sản phẩm dệt may”; “Thực phẩm”.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, tỷ lệ ưu tiên sử dụng hàng Việt tuy đạt khá cao nhưng còn hạn chế, một phần là do tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn xuất hiện nhiều trên thị trường.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài cũng như thách thức từ việc cắt giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN do đó công tác vận động mua sắm hàng Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Tình trạng hàng giả xuất xứ nhãn mác “sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam), giả tem chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ trên thị trường gây ra sự hoang mang, lo lắng, làm mất niền tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng tương tự được sản xuất trong nước.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo