Thị trường

An Giang: Trồng rau thủy canh không đủ cung cấp cho siêu thị

Đó là mô hình của chị Ngô Thị Thanh Nhàn ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên (An Giang).

Chị Nhàn cho biết, ban đầu trồng rau thủy canh trong nhà lưới chỉ vài chục m2 mục đích là có rau sạch phục vụ cho gia đình ăn hàng ngày. Dần dà phát triển diện tích lên 1.500m2, trở thành người đầu tiên ở địa phương trồng rau sạch để cung ứng cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Để có diện tích và dụng cụ trồng rau sạch, chị phải bỏ ra trên 500 triệu đồng để xây dựng nhà màng với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động.

Chị Nhàn không có qua trường lớp học về kỹ thuật trồng rau thủy canh, nhưng chị nhờ xem sách báo và tham khảo thêm tài liệu trên mạng. Nên việc trồng rau màu đối với chị khá đơn giản.

Tuy vậy, thực tế từ quá trình sản xuất, chị Nhàn muốn tìm cho mình hướng đi mới, mang đến hiệu quả cao hơn so với cách trồng rau truyền thống.

Các thiết bị từ nhà lưới đến hệ thống thủy canh được thiết kế theo tiêu chuẩn Isarel. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc trên hệ thống được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt nhất.

Từ nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng chuyển đổi dùng rau sạch và an toàn ngày càng cao. Dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng chị vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn.

Chị Nhàn cho biết, những lần đầu trồng rau thủy canh nên gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm trong đợt đầu. Thậm chí có những đợt vừa trồng xuống rau đã chết sạch lỗ hàng triệu đồng.

Vườn rau thủy canh của chị Nhàn chủ yếu trồng các loại rau, như: xà lách, dưa leo, cải ngọt, xà lách xoong Nhật Bản, cải thìa, cải bẹ dung, rau muống...

Trung bình mỗi tháng sản xuất và cung ứng khoảng 1 - 2 tấn rau các loại. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng chị thu lợi nhuận bình quân gần 20 triệu đồng/vụ (tùy loại rau, tùy thời điểm).

Hiện nay rau thủy canh của chị Nhàn có mặt các siêu thị ở Trung tâm tỉnh An Giang, sản lượng luôn không đủ đáp ứng cho thị trường.

Hệ thống nước tưới phục vụ cho việc trồng rau thủy canh, chị sử dụng hệ thống tuần hoàn. Nguồn nước đó có thể nuôi cá vẫn phát triển tốt trong hồ lắng.

Rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn nên giảm đáng kể việc sử dụng thuốc BVTV, nhằm cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy giá thành rau thủy canh đắt hơn, nhưng chất lượng rau được kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế đầu ra rất ổn định.

Chị Nhàn chi sẻ, tuy nhiên cách sản xuất rau không xuống giống tập trung cho một đợt mà xuống giống theo từng khu và từng thời điểm. Nhằm cung ứng cho thị trường hàng ngày, với nhiều loại rau khác nhau để bán giá cao.

Theo chị Nhàn, ưu điểm việc chăm sóc rau thủy cảnh đều được tự động hóa bằng máy móc, nên khỏe hơn so với trồng rau truyền thống. Ngoài ra chị dành riêng khu đất rộng khoảng 1.000 m2 trồng hoa lan bán. Thời gian tới, chị sẽ mỡ rộng diện tích trồng rau thủy canh và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đồng thời tiến đến xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho nhiều người biết đến.

Ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, mô hình trồng rau thủy canh của chị Ngô Thị Thanh Nhàn là mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao đầu tiên ở địa phương. Nhằm cung cấp các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo