Bạc Liêu: Phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD
Chiều 24/10, tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị “Tổng kết các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và mô hình tôm - lúa bền vững”. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, ước tính cả năm 2019 tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác của tỉnh đạt 365.000 tấn, bằng 101,39% kế hoạch, tăng 6,69% so cùng kỳ. Trong đó riêng tôm đạt 155.000 tấn, tăng 15,1% so năm 2018.
Qua đó,giúp ngành tăng trưởng 5,1%, là trụ đỡ quan trọng nhất của kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh đạt 10,61%, đảm bảo kịch bản 2 (tăng trưởng trên 10%)gần cận kịch bản 3 (11%). Đồng thời, đây chính là tiền đề quan trọng, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và sớm đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 1 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hiện Bạc Liêu đang tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm. Đây là tiền đề quan trọng, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng vùng nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 có 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Trong đó có 3 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản.
“Đến năm 2025, địa phương có 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên (có 9 vùng nuôi và 1 vùng sản xuất giống thủy sản). Góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của toàn tình Bạc Liêu đến năm 2020 đạt 750 triệu USD, năm 2025 đạt 1 tỷ USD”, ông Trung khẳng định.
Người đứng đầu tỉnh cũng chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp nói chung, các mô hình sản xuất trọng điểm, nuôi tôm siêu thâm canh, tôm - lúa nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất còn khiêm tốn.Một số mô hình có hiệu quả nhưng do yêu cầu vốn đầu tư caotrong khi đa số các hộ dân muốn thực hiện theo mô hình này đều khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, do vậy khả năng nhân rộng còn nhiều hạn chế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo