Cải thiện môi trường đầu tư, tăng hút vốn FDI
Đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân / Lưu thông hàng hoá tại nhiều tỉnh gặp khó khăn
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm nay, tính đến ngày 31/8, Việt Nam đã thu hút được tổng vốn FDI lên đến 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 2.247 dự án mới đã được cấp phép với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, thể hiện sự tăng trưởng tích cực (tăng 27% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn ngoại thực hiện đầu tư cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào Việt Nam được lý giải nhờ một loạt các yếu tố thuận lợi. Với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, Việt Nam trở thành "cửa ngõ" quan trọng của nhiều doanh nghiệp quốc tế muốn khai thác tiềm năng thị trường trong khu vực. Bên cạnh đó, dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào và các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp cũng là những điểm mạnh giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và các doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Ông Wee Ee Cheong - Tổng Giám đốc UOB Singapore, cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Để duy trì và thu hút thêm dòng vốn FDI, cải thiện môi trường đầu tư là điều kiện tiên quyết.
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đang nỗ lực bắt nhịp các xu hướng phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, với các cơ chế đặc thù, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam và là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư cần có các giải pháp đồng bộ và cụ thể. Các rào cản hành chính, quy định phức tạp cần được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và thuế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Dominik Meichle cũng nhấn mạnh, việc hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn cho cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Một khía cạnh quan trọng khác trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI hiệu quả là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam không chỉ cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI, mà còn phải đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tiếp cận các nguồn lực đầu tư, nâng cấp công nghệ và cải thiện năng lực cạnh tranh. Chính phủ cũng cần đưa ra các chính sách ưu đãi về lãi suất, tài chính, và các cơ chế hỗ trợ khác để giúp doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội địa cũng được triển khai để tạo điều kiện cho họ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một phần trong chiến lược thu hút dòng vốn FDI một cách hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg