Cần có khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng
Dê tăng giá, thương lái ngoại lùng sục khắp huyện Hớn Quản gom hàng / Sản xuất nông nghiệp Việt Nam lớn nhưng rất bấp bênh
Người cho vay và người đi vay đều bất an
Cho vay P2P khá phổ biến ở một số nước phát triển như: Anh, Mỹ, Trung. Tại Việt Nam có một số công ty tham gia cho vay trực tuyến lớn như: huydong.com (thuộc Công ty cổ phần Finsom), Tima, SHA, Mobivi… Lãi suất cho vay phổ biến (cộng các loại phí) của các công ty này dao động từ 20 - 30%/năm.
Tuy nhiên, cho vay P2P tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên vì Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình này. Chưa kể, bên cạnh những công ty cho vay P2P hoạt động đúng mô hình sẽ có một số công ty lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen.
Chị Lan Anh ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, tháng trước do gia đình có việc cần tiền gấp, chị đã vay P2P tín chấp theo giấy đăng ký xe máy. Chị Lan Anh khá ngạc nhiên khi chiếc xe máy Spacy chị sử dụng được gần 50 triệu đồng, nếu bán trên thị trường chỉ được trên dưới 10 triệu đồng, thế nhưng theo tư vấn, chị có thể vay được tới 50 triệu với thời hạn 90 ngày. Tuy nhiên, chị thấy vay gói dài hơi có phần mạo hiểm nên chị chỉ vay 20 triệu trong 1 tháng với lãi suất là 30%/năm.
Cho vay P2P tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi khung pháp lý chưa có. |
“Ưu điểm của vay P2P là giải ngân cho khách hàng rất nhanh chóng, thủ tục đơn giản, khách hàng không mất công đi lại. Thế nhưng, tôi cứ băn khoăn, việc vay mượn là thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay, trong khi chúng tôi không quen biết nhau và cũng không gặp mặt khi tiến hành vay mượn. Vậy trong trường hợp hai bên vi phạm hợp đồng thì đơn vị nào đứng ra giải quyết?” – chị Lan Anh nói.
Còn chị Lê Thủy (quận 1, TP.HCM) chia sẻ, đang có trong tay số vốn nhàn rỗi, được bạn bè giới thiệu, chị đánh liều cho vay P2P vì lãi suất cao hơn gửi ngân hàng khá nhiều. Nếu cho vay tín chấp thì được lãi suất cao hơn nhưng chị chỉ dám cho vay thế chấp.
“Sau khi xem xét hồ sơ, tôi duyệt gói cho vay tín chấp theo sổ đỏ nhà đất với khoản vay 500 triệu đồng trong thời gian 60 tháng, kỳ hạn thanh toán lãi suất là 15 ngày. Dù đã cầm sổ đỏ của gia đình người ta nhưng tôi vẫn nơm nớp lo sợ bị người ta xù nợ, lúc đó công ty P2P không đứng ra đòi nợ cho mình mà phải tự đi đòi nợ sẽ rất mệt mỏi. Cho vay rồi tôi cứ ăn ngủ không yên. Được 1 tháng, tôi thương lượng với người vay phá bỏ hợp đồng, chỉ lấy tiền về mà không lấy lãi” – chị Lê Thủy chia sẻ.
Đây không phải là kênh gửi tiền
Tìm hiểu tại các công ty cho vay online ở Việt Nam thì thấy các công ty này thường có hai gói sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn là vay tín chấp: theo lương, theo sổ hộ khẩu, theo đăng ký xe máy, ô tô, Icloud Iphone; và vay thế chấp: theo máy tính, điện thoại, ô tô, sổ hộ khẩu, đá quý, đồng hồ, trang sức…
Để có thể nhận được khoản vay, khách hàng chỉ cần hoàn tất bảng điền thông tin, hoàn thiện hồ sơ, đợi xét duyệt và nhận khoản tiền vay qua tài khoản hoặc tại cửa hàng Viettel Post trên toàn quốc. Còn người cho vay chỉ cần đăng ký tài khoản trên trang web của công ty, nhận đơn xin vay của khách hàng, tư vấn cho khách hàng về gói vay, điều kiện vay, lãi suất, giải ngân qua chuyển khoản hoặc nhận tiền mặt.
Trong vai một người có nhu cầu cho vay tiền, liên hệ theo số điện thoại hỗ trợ khách hàng của Tima.vn, được nhân viên tư vấn hướng dẫn: việc đầu tiên là cần tạo lập một tài khoản trên Tima. Sau khi có tài khoản, khách hàng được Tima bán đơn của những người có nhu cầu vay vốn với giá từ 2.000 - 40.000 đồng/đơn. Nhận được đơn, khách hàng tự thẩm định đơn, tự thỏa thuận lãi suất, phương thức chuyển tiền và thu hồi vốn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, người cho vay cần nhận thức rõ đây không phải là kênh gửi tiền, mà là kênh đầu tư nên phải chấp nhận nhiều rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là mất tiền. Còn người đi vay có thể chịu rủi ro mới mức lãi suất cao và khi không có khả năng trả nợ họ có thể bị người cho vay sử dụng các biện pháp thu hồi nợ không chính thống mang tính đe dọa.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, khi người dân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, số tiền đó được kiểm soát chặt chẽ với những yêu cầu khắt khe mà vẫn có rủi ro nên các tổ chức này phải mua bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng.
Trong khi cho vay P2P, bên đi vay không chịu sự kiểm soát nào của pháp luật nên rủi ro của bên cho vay là khả năng mất tiền cao. Còn rủi ro của bên đi vay là phải vay với lãi suất cao. Thực thế có không ít người vay đã phải vay với lãi suất cao gấp 3-5 lần so với trần lãi suất quy định của pháp luật.
Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có tổ chức ngân hàng, tín dụng mới được phép huy động vốn và cho vay. Điều này đồng nghĩa là các tổ chức trung gian không đóng vai trò chức năng như tổ chức tín dụng. Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, các cơ quan chức năng cần phải cảnh báo cho người dân biết việc đi vay và cho vay theo P2P tiềm ẩn những rủi ro gì, đối mặt với những nguy cơ ra sao.
“Cần có hành lang pháp lý quy định chặt chẽ về vấn đề này để các bên biết cách thực hiện vì nó không đơn thuần là kinh doanh hàng hóa bình thường, mà nó là câu chuyện tài chính. Cho vay P2P không chỉ tạo rủi ro cho hai bên mà còn tiềm ẩn rủi ro xã hội, cho thị trường tiền tệ, thậm chí cho hoạt động kinh tế nếu quy mô của loại hình này lớn” - luật sư Trương Thanh Đức nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo