Căng thẳng Nga – Ukraine: Doanh nghiệp Việt có cơ hội chuyển dịch, hấp thụ vốn và đẩy mạnh xuất khẩu
Xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu Brent phá ngưỡng 105 USD một thùng lần đầu tiên từ năm 2014 / Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đẩy chi phí sản xuất của Việt Nam tăng cao
Theo TS Lại Lâm Anh, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi Ukraine khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt.
Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tăng khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn.
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Nếu Việt Nam khai thác hiệu quả, khi giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine, các doanh nghiệp có thể mở kho dự trữ xăng dầu để bán nhằm tăng doanh thu ở thời điểm giá xăng dầu tăng vọt.
Đây là cơ hội hiếm có để tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, Nga bị bất ổn có thể thiếu hàng, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga.
“Việt Nam có thể tranh thủ thu hút vốn và nhập khẩu máy móc thiết bị giá rẻ từ Nga. Đồng Rúp mất giá cũng là cơ hội để nhập khẩu hàng Nga giá rẻ. Hiện là thời điểm để các “cá mập” Việt Nam tìm cách mua doanh nghiệp Nga và các tài sản giảm giá do tác động cấm vận. Trước khó khăn về thanh toán, các doanh nghiệp có thể khai thác hàng đổi hàng”, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng gợi ý.
Ông Lạng cũng cho rằng những bất ổn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cũng có thể thu hút du khách Nga hoặc Ukraine sang Việt Nam lánh nạn, tăng thu cho ngành du lịch và dịch vụ.
Chiến sự Nga – Ukraine đang khiến giá dầu tăng bất định gây lạm phát nhập khẩu. Do đó, việc nới lỏng tài khoá nếu không thực hiện thận trọng có thể gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Lo ngại vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Liên Đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam (JCI) khuyến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để giảm đà tăng của CPI khi chỉ số giá tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng tăng.
Để ổn định và tăng trưởng kinh tế trong nước, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng lưu ý các trụ cột là ngành mũi nhọn như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư, du lịch… cần kết nối và lan tỏa.
“Cần tiếp tục có nhiều cải thiện về thể chế, mô hình doanh nghiệp, thúc đẩy hoàn thiện khâu yếu, tạo nền tảng thể chế “phiên bản mới”, thu hút được vốn đầu tư cho sự bứt tốc tăng trưởng giai đoạn tiếp theo”, ông Lạng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo