Marcom

Chế tài xử phạt 4 loại hành vi vi phạm trong thương mại điện tử

Thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động thương mại điện tử nở rộ với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên các chế tài xử phạt hành vi vi phạm hiện còn thiếu và hầu như chưa theo kịp sự “bùng nổ” của loại hình thương mại này.

Dịch vụ chữ ký số sẽ được giảm giá còn 250.000 đồng/năm / Doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến trong nước: Không hợp tác, khó thành công

Để hoạt động thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, phát huy hết tiềm năng, đồng thời kịp thời xử phạt hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, làm lành mạnh thị trường, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (ngày 26/8/2020) và có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 đã quy định các mức xử phạt hành vi vi phạm thuộc 4 loại hình thương mại điện tử.
Đó là các hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động); vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Trong đó các hành vi không tuân thủ quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng, thông tin hàng hóa, dịch vụ, thông tin về giá cả, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin về điều kiện giao dịch chung, thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định có thể bị phạt đến 5 triệu đồng.

Đưa hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh.
Đưa hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh.

Phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng với các hành vi như không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký.
Cùng với đó các hành vi như triển khai chức năng thanh toán trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động nhưng không có cơ chế để khách hàng rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi sử dụng chức năng này để thực hiện việc thanh toán; không thực hiện lưu trữ dữ liệu về các giao dịch thanh toán thực hiện qua hệ thống của mình theo thời hạn quy định có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử phạt như trên, Nghị định 98 còn áp dụng nhiều hình thức phạt bổ sung như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Cùng đó tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, Giấy phép chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm, thậm chí có thể tước tên miền “.vn”.
Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm