Chuỗi cung ứng bị đứt gãy: Doanh nghiệp Việt khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro
DNVN - Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.
Phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn / Tháng 9/2021: Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 53,5 tỷ USD
Mạng lưới cung ứng toàn cầu trở nên hỗn độn
Tại “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 5/10, ông Trần Thanh Hải khẳng định, làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh mẽ vào quý II và quý III/2021 tại các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Việt Nam đang tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một lần nữa đe dọa và kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19.
Các doanh nghiệp lúc này không chỉ đối mặt với việc làm sao để tìm nguyên liệu kịp thời, đảm bảo hiệu quả chi phí, mà còn cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo từng mùa đối với sản phẩm cuối cùng.
Các biện pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh được thực hiện khiến thương mại toàn cầu suy giảm. Đặc biệt, các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và vận chuyển có hiệu lực ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn và trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại hội nghị.
"Mặc dù Chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và nhiều lao động trong lĩnh vực này phải ở nhà, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động bị tê liệt...", ông Hải nhìn nhận.
Trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn hàng giao hàng tại nhà tăng đột biến. Thị trường kho bãi trong giai đoạn dịch bệnh có động lực chính từ phân khúc kho hàng thương mại điện tử và kho lạnh. Đặc biệt, nhu cầu ngày càng cao đối với kho lạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của thị trường này trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông Hải, sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực vận tải hàng hóa đẩy giá cước tăng cao. Bên cạnh yếu tố về nguồn cung và thiếu hụt lao động, vận tải toàn cầu – tuyến nối các điểm nút trong chuỗi cung ứng ghi nhận chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục. Giá cước trung bình của một container cao gấp 4 lần so với 1 năm trước và cao gấp hơn 5 lần so với 2 năm trước. Xu hướng tăng cước vận tải không chỉ diễn ra ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào quý I/2020, mà bắt đầu vào tháng 7/2020 tăng mạnh cho tới nay, thậm chí chưa có dấu hiệu dừng lại.
Doanh nghiệp Việt khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm, cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy. Trong đó, hai ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh là ngành dệt may và da giày.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến nhiều địa phương phải thực hiện các chính sách giãn cách xã hội, phong tỏa ở mức cao nhất.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng đứt gãy. (Ảnh: HVN)
"Tuy nhiên, vấn đề về đảm bảo nhân lực trong thời kỳ dịch bệnh, vấn đề về thực thi các chỉ thị chống dịch chưa thật sự thống nhất tại các địa phương cũng đã gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Sự lây lan của COVID-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro", ông Hải nhận định.
Theo ông Hải, COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.
Cần nâng cao tính minh bạch của chuỗi cung ứng
Để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh mang lại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, các doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, có biện pháp phù hợp tự bảo vệ đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy. Tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường. Tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ tư, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của chuỗi cung ứng thông qua việc nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các bên tham gia chuỗi cung ứng và những rủi ro tiềm ẩn của từng bên.
Thứ năm, tăng cường đánh giá rủi ro tấn công mạng phát sinh từ việc gia tăng sử dụng công nghệ. Doanh nghiệp ngày càng trở nên phụ thuộc vào công nghệ sau khi đại dịch bùng nổ. Đảm bảo an ninh mạng sẽ có tác dụng lâu dài khi làm việc từ xa và kỹ thuật số sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo