Chuyện Tám Đậu còng lưng nuôi 2.000 tấn cá/năm, ôm tiền tỷ lo chuyện thiên hạ
Quảng Bình: Tỷ phú đào ao trên cát nuôi loài ốc hương, bán đắt tiền / Anh nông dân kiếm tiền tỷ từ nuôi gà đẻ thụ tinh nhân tạo
Thành tỷ phú nhờ con cá tra
Sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận việc đột xuất, cuối cùng ông Ngô Văn Đậu (Tám Đậu) cũng sắp xếp được thời gian trò chuyện với PV. VietNamNet về hành trình khởi nghiệp từ bàn tay trắng để trở thành tỷ phú trên mảnh đất An Giang nhờ con cá tra và cá lóc.
“Để kinh tế khá giả như ngày hôm nay tôi phải trải qua bao khó khăn vất vả”, ông Tám Đậu kể. Trước đây ông vốn xuất thân trong gia đình nghèo khó, không tài sản, không đất đai. Thời còn trẻ, để kiếm sống ông phải làm thuê làm mướn đủ nghề.
Sau khi lập gia đình ở Cà Mau, ông cùng vợ trở về quê nhà tại ấp Phú Thượng (xã Phú Thành, huyện Phú Tân) sinh sống. Quá trình lao động, ông cùng gia đình chịu khó tích góp từng chút để mua đất nuôi cá.
Mỗi năm ông Tám Đậu xuất bán 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường (ảnh: Dân Việt)
Từ vài công đất (1.000m2), vợ chồng ông dần mở rộng diện tích nuôi cá. Đến nay, gia đình ông có khoảng 20ha mặt nước nuôi cá tra và cá lóc, mỗi năm đạt doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng. Năm 2011, ông còn gom tiền mua 4ha đất ruộng trồng lúa, đến năm 2017 mua thêm 5ha nữa.
Ông Tám Đậu khoe, khu nuôi cá tra là hoành tráng nhất vùng, rộng tới 12ha, được ông thiết kế khá bài bản gồm: ao nuôi cá, khu vực thoát và trữ nước, nhà để thức ăn cho cá,... Từ khu ao nuôi này, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm.
Để nuôi được diện tích cá tra và cá lóc lên tới 20ha, ông phải thuê 18 lao động ở địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng, cùng với hàng trăm lao động thời vụ mỗi năm.
Bản thân ông và vợ cũng còng lưng bê vác cám cho cá ăn mỗi ngày chứ không chỉ ngồi "chỉ tay năm ngón".
Ông tự tin rằng mình nuôi cá tra không bao giờ thua lỗ vì chi phí sản xuất luôn ở mức thất nhất. Bởi ông mua thức ăn cho cá trực tiếp từ doanh nghiệp giống kiểu đại lý cấp một, mỗi năm lên tới vài ngàn tấn. Doanh nghiệp bán thức ăn cũng chính là đơn vị thu mua cá thương phẩm.
“Những năm gần đây, giá cá thương phẩm bấp bênh, song tôi vẫn duy trì được. Có năm thu lợi vài tỷ đồng”, ông Đậu tiết lộ. Ông chia sẻ, giờ cuộc sống của gia đình ông ổn định, dư giả, xây được căn nhà khang trang, kiên cố để ở, không còn đói nghèo như trước nữa.
Nhờ nuôi cá mà ông Đậu thoát nghèo, trở thành tỷ phú |
20 năm ôm tiền đi làm từ thiện
“Địa phương tôi ở là xã vùng sâu, nói về kinh tế thì rất khó khăn, dân còn nghèo khổ, cơ cực, ốm đau bệnh tật không có tiền đi viện chữa trị... ”. Ông Tám Đậu tâm sự, bản thân ông đã có thời kỳ sống trong đói nghèo, hơn ai hết ông rất thấm thía nỗi cơ cực của những người nông dân nghèo.
Thế nên, khi cuộc sống gia đình mới vừa đủ ăn đủ mặc, ông đã nghĩ đến chuyện giúp đỡ người nghèo. Thời gian đầu ông cho gạo, giúp đỡ bằng tiền mặt đối với những trường hợp bà con hàng xóm ốm đau, hoạn nạn,...
Năm 2009, khi đó kinh tế gia đình cũng có chút dư giả, ông đã bàn bạc với 2 người anh của mình, góp tiền mua chiếc ô tô chuyển bệnh nhân đi bệnh viện miễn phí đầu tiên cho xã Phú Thành trị giá 540 triệu đồng. Đến năm 2017, cá nhân ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe chuyển bệnh nhân mới nữa trị giá 700 triệu đồng để giúp đỡ bà con trong xã.
Có những khi cả hai xe chuyển bệnh nhân đều bận, ông sẵn lòng dùng chiếc xe 7 chỗ của gia đình để giúp chuyển bệnh nhân miễn phí.
Để có nguồn tiền ổn định làm từ thiện, năm 2011 ông bàn với gia đình gom tiền mua 4ha đất ruộng trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm “quỹ từ thiện”, bởi khi đó nghề nuôi cá tra bấp bênh, ông sợ không có tiền giúp đỡ bà con khó khăn. Đến năm 2017, ông lại mua thêm 5ha nữa. Hiện “quỹ từ thiện” của gia đình có tổng cộng 9ha đất ruộng, cho thuê, mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng.
“Tôi dành cả số tiền trên để làm công tác từ thiện xã hội”. Ông cũng tiết lộ mới đây đã hiến hơn 1.000m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp nghĩa trang của địa phương, bỏ ra 890 triệu đồng để UBND xã Phú Thành xây cây cầu nông thôn, giúp người dân giao thương hàng hoá liên xã được thuận tiện.
“Thực ra, làm từ thiện không phải vì thành tích hay để được tuyên dương. Tôi cũng muốn làm việc tốt, việc thiện để sau này các con tôi noi gương theo cha mẹ. Và khi giúp đỡ được những người còn khó khăn tôi thấy trong lòng vui vẻ”, ông chia sẻ.
Gắn bó với công tác từ thiện xã hội hơn 20 năm, ông Tám Đậu thừa nhận đôi lúc mệt nhưng rất vui vì được bà con quý mến, gia đình hạnh phúc.
Ở tuổi 56, ông Tám Đậu vẫn luôn cố gắng làm việc, phát triển kinh tế gia đình để có tiền giúp người nghèo, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí và làm nghĩa trang cho người nghèo khi nằm xuống có chỗ yên nghỉ.
Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Ngô Văn Đậu đã 2 lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương và nhiều Bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi, học tập và làm theo gương Bác Hồ; được Ban Tuyên giáo Trung ương mời tham gia Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?