Thị trường

Quảng Bình: Tỷ phú đào ao trên cát nuôi loài ốc hương, bán đắt tiền

Những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thay đổi tư duy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi ốc hương và sản xuất nước sạch của gia đình anh Phạm Văn Nghĩa ở thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch là một điển hình.

Tôm chết hàng loạt, người nuôi ở Quảng Bình thua lỗ nặng / Yên Bái: Gà đen Mù Cang Chải, nuôi không đủ bán

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở khắp nơi, anh Nghĩa đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đấu thầu 8 nghìn m2 đất của địa phương để đầu tư nuôi tôm, phát triển kinh tế gia đình.

Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương. Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, chưa có kinh nghiệm nuôi ốc hương, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Không chùn bước, anh Nghĩa đã chịu khó tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình.

1

Mô hình nuôi ốc hương của anh Phạm Văn Nghĩa hàng năm cho lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhờ đó, anh đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi ốc hương trong các khâu: xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ PH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước… Ốc hương luôn sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao hàng năm. Trung bình mỗi năm, anh Nghĩa nuôi và thu hoạch trên 15 tấn ốc hương với giá 250 nghìn đồng/kg, hàng năm cho lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng.

Anh Phạm Đình Dương, nhân công lao động (thôn Vân Trung, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn) chia sẻ: “Trước đây, tôi phải bôn ba vào Nam làm thuê để kiếm sống với nghề nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng từ khi được anh Nghĩa thuê làm ở đây, tôi vừa làm ở gần nhà, giúp đỡ phần nào cho gia đình, vừa có đồng lương ổn định.

Nhờ có nhiều kinh nghiệm nuôi ốc hương, kinh nghiệmtrong nuôi trồng thủy hải sản, đăc biệt là trong nuôi ốc hương, tôi đã cùng với anh Nghĩa áp dụng các kỹ thuật để nuôi ốc hương thành công”.

Không dừng lại ở việc nuôi ốc hương, tận dụng nguồn nước giếng khoan, gia đình anh Nghĩa đã mở rộng quy mô phát triển kinh tế bằng nghề sản xuất nước uống đóng bình.

 

Sau khi tham gia các khóa đào tạo tập huấn về quy trình sản xuất nước sạch, anh Nghĩa đã vay thêm vốn, mạnh dạn đầu tư 2,6 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc và các phương tiện khác phục vụ cho việc sản xuất và tiêu thụ nước uống.

Nhờ tận dụng được địa hình ven biển và nguồn nước giếng khoan, nên sản phẩm nước sạch của anh Nghĩa có vị ngon ngọt rất riêng biệt, được người tiêu dùng lựa chọn và đã có mặt ở khắp nơi trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, trong thời gian cao điểm về mùa hè, cơ sở sản xuất nước sạch của anh Nghĩa hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn không cung cấp kịp cho thị trường. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 200-300 bình nước, thu lãi khoảng 1 triệu đồng, mỗi năm đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Với mô hình nuôi ốc hương và sản xuất nước uống đóng bình, hàng năm, gia đình anh Nghĩa có nguồn thu nhập gần 2 tỷ đồng, cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên trên địa bàn với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng.

Đây là thành quả minh chứng cho những nỗ lực cố gắng vượt khó của vợ chồng anh, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Từ hiệu quả của mô hình nuôi ốc hương, vợ chồng anh Nghĩa đã truyền đạt kinh nghiệm nuôi ốc hương, kỹ thuật nuôi ốc hương, giúp đỡ cho một số hộ nông dân trên địa bàn cùng nuôi ốc hương, tăng thu nhập.

 

Theo Hoài Thi/Báo Quảng Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm