Cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt Nam khi thực thi EVFTA
Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Italia đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày / Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ đạt 6,5% trong 6 tháng đầu năm, giảm 13,5% so với cùng kỳ 2019
Đó là những chia sẻ của các diễn giả, doanh nghiệp tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU thực thi có hiệu quả Hiệp định EVFTA”, do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.HCM tổ chức mới đây.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng nước ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, nước ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Với thủy sản EU hiện là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu gần 9,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 50 tỷ EUR các sản phẩm thủy hải sản. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường này đạt khoảng 976 triệu USD trong năm 2019, chiếm thị phần rất nhỏ.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội để nước ta tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay 50% dòng thuế (phần lớn thuế suất cơ sở đang từ 6-22%), cùng với đó các mặt hàng khác như gỗ, cà phê, tiêu… mà có có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu cũng sẽ được giảm thuế về 0%, đây là một lợi thế lớn để doanh nghiệp trong nước tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản vào thị trường này.
Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói... góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện thuế suất EU đang áp lên gạo Việt Nam là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm và 211 EUR/tấn với thóc. Sắp tới, theo cam kết của EVFTA, hạn ngạch đối với gạo xay xát và gạo thơm sẽ là 80.000 tấn, thuế trong hạn ngạch là 0%. Đáng mừng là xu hướng sử dụng gạo ở EU tăng lên với tiêu thụ gạo trung bình là 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020 - theo FAO.
“Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói... góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hải cho hay.
Theo Bộ trường Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA đưa vào thực thi là cơ hội để củng cố uy tín, vị thế của nước ta, củng cố quan hệ thương mại đa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, với Hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 18.000 tỷ USD.
“Thị trường EU là quan trọng của Việt Nam từ thương mại, đầu tư, chiến lược hội nhập… Đây là đối tác chiến lược để củng cố uy tín, vị thế của nước ta, củng cố quan hệ thương mại đa phương.
Hiệp định EVFTA đã có nhiều công cụ, cơ hội, đối tác để nước ta cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm giá trị gia tăng ngày càng cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên các quy định minh bạch, công bằng sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế, tạo sự an tâm trong cộng đồng DN và từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của hai bên, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19”, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biêt.
Vẫn còn lắm thách thức
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dù cơ hội lớn khi EVFTA đưa vào thực thi nhưng ở đó vẫn tồn tại nhiều thách thức. Đơn cử như mặt hàng gạo, EU yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, thị trường này lại đang chuộng các sản phẩm gạocủa Thái Lan,Campuchia, Myanmar… và trong tổng số hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam lại có một lượng dành cho các chủng loại gạo đặc sản, hiện sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này cũng không lớn.
Riêng với gạo thơm, cần có giấy chứng nhận đúng chủng loại cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Hay với thủy sản, Việt Nam cần khôi phục “thẻ vàng” đối với hải sản trong chương trình Chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); cần vượt qua những rào cản về lao động, môi trường chặt chẽ, rào cản phi thuế quan, SPS, TBT… của các nước EU.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết với giá xuất khẩu gạo sang EU trung bình 700 USD/tấn thì năm 2019, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được hơn 15.000 tấn.
"So với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực, dư địa cho chúng ta còn rất lớn, nhất là khi thuế chỉ còn 0%. Hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU cấp so với sản lượng xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn/năm của Việt Nam dù rất nhỏ nhưng chưa chắc doanh nghiệp dùng hết vì không có gạo đủ tiêu chuẩn”, ông Bình phân tích.
Ông Lý Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho biết, cần nâng cao nhận thức của nông dân về chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cập nhật những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo ông Hải, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý. Đồng thời, tạo các đầu cầu kết nối các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, đến nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường tính chính xác và nhanh chóng của thông tin để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân.
Cần có giấy chứng nhận đúng chủng loại cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đối với gạo thơm.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, như: xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ; học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội; trong đó lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động như quy định về chấm dứt hình thức lao động cưỡng bức, không được sử dụng lao động trẻ em, không được phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả khi EVFTA đi vào hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh cho biết, sắp tới bộ sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ… điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia và tạo điều kiện tối đa thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, hiện có rất nhiều việc cần phải làm và trong chương trình hành động của Chính phủ quy định 5 nhiệm vụ lớn. Trong đó, có nhiệm vụ cần tập trung quyết liệt là luật hóa và tổ chức ban hành các hướng dẫn, quy định của luật pháp và hướng dẫn cụ thể để hiệp định đi vào hiệu lực ngay.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ là sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động. Hiện nay, Bộ Công thương đã hoàn tất việc tổng hợp chung và xin ý kiến cuối cùng của Bộ ngành trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phải có hướng dẫn tổ chức thực hiện và vừa qua Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT để hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm khi xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiêp nhỏ và vừa của Việt Nam, EU trong việc thâm nhập thị trường của nhau.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian chuẩn bị cụ thể những quy cách theo yêu cầu của EU, thì những doanh nghiệp lớn có thể song song chỉ đạo ngay. Điển hình như với trường hợp của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Bộ sẽ có người hướng dẫn cụ thể để kiểm tra xem thị trường EU cần giống gì và quy trình sản xuất, tiêu chuẩn như thế nào?.
Theo ông Cường, trong giai đoạn đầu EVFTA có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn công tác phản ứng nhanh để trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu và thủ tục mà thị trường EV đặt ra.
TP.HCM triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Châu Âu, TP.HCM sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, chú trọng các điểm yếu mà doanh nghiệp cần khắc phục; hướng dẫn các nội dung cam kết, các quy định nêu trong hiệp định để các doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế hơn nữa; tăng cường các biện pháp sở hữu trí tuệ; ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại những lợi ích cho thành phố khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để doanh nghiệp thành phố nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do Châu Âu quy định, xem trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào Châu Âu. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động