Có nên áp giá điện kinh doanh cho trạm sạc xe điện?
Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Nhà ở xã hội chưa phải là đích ngắm / Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Petrolimex vẫn ở mức 3.048 tỷ đồng
Bộ Công Thương đề xuất không áp dụng phương án giá điện sản xuất cho các trạm, trụ sạcxe điện, mặc dù đây là phương án được Bộ GTVT và Công ty Vinfast đề xuất. Nội dung này nằm trong văn bản mới nhất được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp, để xin ý kiến cho Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn khuyến khích sử dụng xe điện, góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng về 0 - Net Zero vào năm 2050 thì giá điện áp dụng cho các trạm sạc sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự lựa chọn của người dùng.
Đổi từ xe xăng sang xe điện được gần 1 năm nay, chị Đinh Văn Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chi phí vận hành, mà chủ yếu là tiền sạc điện phải tiết kiệm nhiều hơn nữa so với hiện nay.
"Để khuyến khích mình nghĩ là nên để cho người tiêu dùng thấy được việc chi phí vận hành hàng tháng của một cái xe điện nó sẽ tốt hơn xe xăng, mức đấy phải tương đối là đáng kể mới có thể mang tính chất khuyến khích được", chị Trang cho biết.
Để xây dựng biểu giá chotrạm sạc xe điện, có 3 phương án đã được đưa ra. Phương án 1 là dựa vào chi phí sử dụng điện thực tế của trạm sạc. Phương án 2 là áp giá điện kinh doanh. Phương án 3 là tính theo giá điện sản xuất. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện chỉ đề xuất xem xét phương án 1 và 2. Phương án 3 không áp dụng được vì sẽ phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Trước đề xuất này, nhiều người dùng xe điện cho rằng, giá sạc hiện nay ở mức hơn 3.300 đồng/kwh (3.355 đồng/kwh). Nếu áp theo giá điện kinh doanh sẽ có thể tăng lên hơn 5.400 đồng/kwh (bao gồm cả VAT), tức cao hơn 60% vào khung giờ cao điểm.
Tại những trạm sạc xe điện luôn có cả xe của người dân đi lại hàng ngày. Do đó, việc xem xét áp dụng giá điện kinh doanh đối với các trạm sạc xe điện cần phải được tính toán, đánh giá một cách kĩ lưỡng để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia, nếu áp dụng phương án điện kinh doanh như 1 trong 2 đề xuất của Bộ Công Thương cũng vẫn xảy ra tình trạng phát sinh bù chéo từ các nhóm khách hàng với nhau.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho hay: "Nếu là điện kinh doanh cũng sẽ phải bù giá chéo cho các ngành khác. Chúng tôi cho rằng đây là một chính sách tổng thể và phải cân bằng lợi ích của các nhà đầu tư trạm sạc, người tiêu dùng, công ty sản xuất xe điện cho đến người cung cấp điện, sản xuất điện".
Nhiều người tiêu dùng cho rằng, mức giá sạc xe điện hiện nay là tương đối phù hợp. Nếu tăng giá điện tại các trạm sạc, sẽ có thể tạo ra rào cản, khó khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện xanh này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo