Thị trường

Con đường duy nhất cho lúa gạo là nâng cao chất lượng

“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”.

Trên 5.200 tỷ đồng đầu tư phát triển điện gió ở Quảng Trị / Sẽ có hai hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định con đường duy nhất để phát triển lúa gạo là nâng cao chất lượng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc kiến nghị Bộ Tài chính mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo sớm để hỗ trợ cho các hộ dân giải quyết tình trạng giá lúa gạo đang xuống thấp song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn không quên dặn dò “lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”.

Xuất khẩu gạo 2019 đã được dự báo trước khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cả về lượng và giá xuất khẩu. Đặc biệt, mặt bằng giá xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên rất khó duy trì trong năm 2019 trừ khi có các đột biến về nhu cầu. Dự báo mặt bằng giá gạo Việt Nam sẽ suy giảm trong năm 2019 để có thể cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù tổng lượng gạo được giao dịch trên thị trường toàn cầu trong niên vụ 2018/2019 được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sẽ tăng nhẹ so với niên vụ trước (48,1 triệu tấn), nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo dự báo giảm ở một số thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam như Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.

Trong đó, Indonesia tuyên bố không có kế hoạch nhập khẩu trong năm 2019 bởi nước này tiến hành hoạt động bầu cử và đã nhập khẩu lượng lớn trong năm 2018; dự báo nhập khẩu gạo của Bangladesh giảm mạnh xuống chỉ còn 400.000 tấn từ mức 1,4 triệu tấn năm 2018 do sản xuất đã phục hồi sau trận lũ lụt năm 2017; dự báo nhập khẩu gạo của Trung Quốc chỉ đạt 4,5 triệu tấn.

Bên cạnh vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo, gạo Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ tại thị trường này.

Tại thị trường châu Phi, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nguồn gạo giá rẻ của Trung Quốc, trong khi châu Phi là thị trường rất nhạy cảm về giá.

Ngay cả thị trường truyền thống là Philippines, với sự tham gia của các thương nhân đa quốc gia trong các đợt đấu thầu mở G2P, giá bỏ thầu của thương nhân Việt Nam phải rất cạnh tranh mới có khả năng trúng thầu.

“Tất cả những việc này Bộ Công Thương đều đã có báo cáo đánh giá rồi, mục tiêu là giữ cho giá bán gạo của người nông dân có lãi, còn để đạt được giá bán gạo như 2018 là rất khó”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Con đường duy nhất là nâng cao chất lượng

Đối với thông tin về việc thị trường Trung Quốc “khắt khe” với gạo Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, thông tin này không chính xác. Bởi Việt Nam luôn đứng đầu trong số những quốc gia xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.

“Ta đang có 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc nhưng thời gian vừa qua có 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo kém chất lượng nên phía Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu gạo của 3 doanh nghiệp này. Đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra lại xem những doanh nghiệp đó có nhận ủy thác gạo từ nơi khác khiến gạo không đạt chất lượng không. Hàng nông sản rất khác với các mặt hàng khác, thuế chỉ là một mặt, còn lại vấn đề về chất lượng mới là việc chúng ta cần quan tâm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Công Thương cũng cho rằng, không nên quá “bi quan” bởi bên cạnh những khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019.

Ví dụ như, với việc áp dụng thuế hóa gạo, thị trường Philippines đã bỏ cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu và áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) là 35%. Dự kiến gạo Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng mạnh sang Philippines so với lượng khoảng 293.000 tấn được phân bổ theo cơ chế MAV trong các năm trước.

Gạo thơm của Việt Nam vẫn duy trì được thị trường Iraq. Năm 2018 xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sang thị trường này đạt 300.000 tấn, tăng gấp đôi so với mức 150.000 tấn của năm 2017.

Gạo ngắn Japonica của Việt Nam đã chiếm tỷ trọng lớn nhất tại thị trường Hàn Quốc (đạt 122.783 tấn, chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu của thị trường này). Giá trúng thầu cao, đem lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, thị trường Ai Cập cũng có tín hiệu tích cực với gạo Japonica sau khi Việt Nam và Ai Cập ký biên bản ghi nhớ về gạo.

Bên cạnh đó là cơ hội cho gạo thơm tại thị trường Bờ Biển Ngà, cơ hội cho gạo thơm của Việt Nam tại thị trường Châu Âu (EU) khi nguồn gạo Campuchia và Myanmar không còn lợi thế về thuế nhập khẩu, cơ hội cho gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng với các quy định theo hướng mở của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm