Covid-19 là cơ hội đẩy nhanh việc giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc
Kiến nghị đưa DN chế biến đồ uống vào danh sách hưởng hỗ trợ do Covid-19 / “Nâng cấp” môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực khá nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến một sự khủng hoảng kinh tế vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Việt Nam vẫn có thể lạc quan bởi “trong nguy có cơ”. Đây là giai đoạn nếu Việt Nam tận dụng tốt được cơ hội có 1 không 2 này thì sẽ tạo đà bùng phát tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây cũng cho rằng: Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Và đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Đặc biệt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn vào năm ngoái, thế giới bắt đầu có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn xu hướng này. Không chỉ Mỹ, mà còn nhiều nước châu Âu, cả Nhật Bản cũng đã kêu gọi và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các công ty của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế này.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” các diễn giả đã đưa ra những nhận định của mình về những cơ hội cũng như thách thức mà Việt Nam có được với dòng vốn FDI đang dịch chuyển và cùng thảo luận về việc liệu Việt Nam có bở lỡ mất “cơ hội vàng” hay không.
Các chuyên gia thảo luận về vấn đề đón sóng FDI dịch chuyển ở Việt Nam trong thời gian hậu Covid-19 (Ảnh chụp màn hình)
Phát biểu về vấn đề này, ông Ngô Công Trường - Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners đưa ra nhận định: "Đây chính là thời điểm vàng để các doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng để làm Branding cho DN của mình. Ông cũng cho biết, hiện tại Apple và Samsung đã bắt đầu có tín hiệu chuyển dịch sang Việt Nam. Các tập đoàn lớn này đã chọn Việt Nam là phương án thay thế".
Chính vì vậy ông Trường cho rằng: Qua đợt Covid-19 này sẽ có 2 tình huống xảy ra. Một tình huống là các nước sẽ đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau tạo đà cho kinh tế thế giới bùng nổ. Tình huống thứ 2 đang xảy ra rồi đó là việc các quốc gia đang đề phòng lẫn nhau. Và chính trong giai đoạn này Việt Nam đang vô tình có được niềm tin cao nhất với cộng đồng thế giới.
"Có được điều này là do nước ta có tính linh hoạt và thích nghi cao. Đây là cơ hội cạnh tranh song phẳng cả về công nghệ lẫn trí thức. Ở cả hai mặt này tôi tin Việt Nam đều có thể sánh ngang được với các nước trên thế giới”, ông Trường nhấn mạnh.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt cũng có cùng quan điểm. Theo ông Thành, một câu nói chính xác ở Việt Nam cho thời điểm này đó là “trong nguy có cơ” vì sau đại dịch Covid-19 này sẽ có một sự chuyển dịch rất lớn. Ông cũng cho rằng,thời điểm này chúng ta nên cấu trúc lại đầu vào và đầu ra của kinh tế. Mở rộng thêm thị trường để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch lớn sau đại dịch. Đây là cơ hội rất lớn của Việt Nam.
Còn Nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni, Đồng sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp lại cho rằng, các nước trên thế giới đang mất niềm tin với Trung Quốc từ khi dịch Covid-19 diễn ra. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, các nước mới nhận ra mình đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và sản xuất.
"Vừa qua Mỹ đã chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Newzeland, Hàn Quốc và Việt Nam là những nước có thể thay Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế toàn cầu và cung ứng sản xuất hàng hóa. Hiện tại chúng ta đang đứng trước một vận hội quá lớn. Nhưng để tận dụng tốt cơ hội một phần chúng ta phải xem lại các chính sách của chính phủ cần phải mở rộng hơn nữa mới có thể tận dụng tốt được cơ hội này", đại diện BizUni cho biết thêm.
"Việc thay đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã bắt đầu manh nha từ cách đây mấy năm rồi. Dịch bệnh bùng phát góp phần đẩy nhanh tiến độ của việc này. Tuy nhiên trong cơ hội chúng ta cũng có thách thức rất lớn", ông Huỳnh Bửu Sơn - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.
Theo ông Sơn, nếu chúng ta không có những thay đổi cho phù hợp thì các nước đến rồi sẽ lại đi. Để làm tốt được việc này, thứ nhất chúng ta cần tạo một môi trường đầu tư, một sân chơi thật sự tốt và bình đẳng cho dòng vốn FDI cũng như hoàn thiện cả về pháp luật, tiếp cận nguồn tài chính trong nước lẫn nguồn tài nguyên, nhân lực trong nước.
Thứ hai, những chính sách về kinh tế vĩ mô, về tỷ giá, lãi suất phải được hoàn thiện để nền kinh tế có chi phí thấp, chứ không phải là lãi suất cao như hiện nay. Nếu việc này kéo dài thì chúng ra rất dễ để vụt mất cơ hội này.
Việc tập trung nâng cao năng suất lao động để nâng cao thu nhập là vô cùng quan trọng cho sự phát triển ổn định và lâu dài trong tương lai. Phải tranh thủ lúc này để làm những điều mà chúng ta chưa làm được. Phải xây dựng thêm các ngành công nghiệp phụ trợ để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Việt Nam. Nếu không làm được việc này thì mãi chúng ta sẽ chỉ là đất nước gia công sản phẩm thôi, sẽ lọt vào cãi bẫy thu nhập trung bình thấp và cơ bản thì sẽ rất khó để phát triển kinh tế.
Còn theo ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc ABC Bakery, đây chính là cơ hội cho Việt Nam vì hiện tại các nước đang dựa vào nguyên liệu thô của Trung Quốc rất nhiều. Trường hợp nếu Trung Quốc không thể phục hồi thì các nước khác cũng sẽ rất khó khăn vì vẫn bị phụ thuộc. Thời điểm này Việt Nam nên suy nghĩ thêm đến việc sản xuất cả nguyên liệu thô để có thể “tự sản tự tiêu” mà không phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo