Kiến nghị đưa DN chế biến đồ uống vào danh sách hưởng hỗ trợ do Covid-19
DNVN - Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), các gói hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế chỉ áp dụng cho các ngành công nghiệp trong danh sách được Chính phủ Việt Nam đánh giá bị ảnh hưởng lớn như vận tải hành khách, lưu trú du lịch, nhà hàng... Do đó, AmCham kiến nghị nên bổ sung một số lĩnh vực kinh doanh khác chưa được đưa vào danh sách.
Doanh nghiệp điện tử kêu khó tiếp cận các Gói ưu đãi, vướng ở chỗ nào? / Xuất khẩu vẫn có nhiều điểm sáng trong đại dịch
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 diễn ra hôm 09/5, AmCham đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thái độ cảm kích các hành động kịp thời từ Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của virus. AmCham nhấn mạnh, trong khi dịch bệnh vẫn hoành hành ở một số quốc gia và không thể dự đoán được điều gì sẽ tiếp diễn, thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thực hiện công cuộc nỗ lực chống dịch một cách tích cực và phi thường.
"Tại Việt Nam cảm giác an toàn đang quay trở lại và đó là điều mà tất cả chúng tôi đều biết ơn. Ngài Thủ tướng đã nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong đại dịch là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mọi người. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là bảo vệ các DN và ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế. Tất cả chúng ta đều hiểu các chỉ thị hạn chế kinh doanh của Chính phủ là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus", bức thư của AmCham có đoạn viết.
AmCham hoan nghênh sự mở cửa lại của các hoạt động kinh doanh và kinh tế nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của AmCham, các gói hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế chỉ áp dụng cho các ngành công nghiệp trong danh sách mà được Chính phủ đánh giá là bị ảnh hưởng lớn như vận tải hành khách, lưu trú du lịch, nhà hàng và một số lĩnh vực khác. Vì thế, AmCham khuyến nghị nên bổ sung một số lĩnh vực kinh doanh khác chưa được đưa vào danh sách.
AmCham kiến nghị bổ sung ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm chức năng vào danh sách hưởng hỗ trợ.
AmCham cho rằng, ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm chức năng có thể được đưa vào danh mục thực phẩm vì đây là ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và dẫn đến việc các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ giải trí đều bị đóng cửa và lượng khách du lịch giảm đáng kể. Doanh thu của các công ty đồ uống không cồn đã giảm mạnh trong vài tháng qua và tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo.
Số liệu thống kê từ AmCham cho thấy, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, đến nay trên 70% doanh nghiệp thành viên của AmCham vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất bình thường (tức từ 70% công suất trở lên), khoảng 17% doanh nghiệp đang hoạt động ở mức 50-70% và chỉ có khoảng 13% thành viên đang hoạt động dưới công suất bình thường 50%.
Tuy nhiên, các ngành kinh tế khác nhau đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch và khách sạn bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Một số doanh nghiệp thành viên AmCham đã buộc phải cho nhân viên nghỉ dài hạn vào thời điểm này.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chịu tác động rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống khi vẫn chịu chi phí mặt bằng cao trong khi số lượng khách hàng ngày một giảm. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu sụt giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
AmCham cho biết, sẽ tiếp tục đánh giá và đề xuất các lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn để đảm bảo một danh sách toàn diện hơn, nhằm giúp ngành công nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ.
Ngoài ra, AmCham cho rằng, trong khi Việt Nam đã có thể khôi phục hầu hết các chuỗi cung ứng, thì nhu cầu trên thế giới đối với nhiều sản phẩm lại giảm - đặc biệt ở Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính như đồ nội thất, giày dép và may mặc đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể về mặt nhu cầu, một số ngành giảm đến 70%.
Trong khi thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong quý đầu tiên của 2020 tăng, AmCham dự đoán số lượng lớn các đơn hàng và mức bán lẻ tại Hoa Kỳ sẽ giảm trong quý II và III năm 2020. Trong những tháng khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn giữ nguyên lực lượng lao động để tăng trưởng trong tương lai và AmCham hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này để có thể giữ lại nhân viên bằng cách cho phép giảm lương, hoặc giảm những khoản đóng góp và nghĩa vụ cho Chính phủ.
Trong thư gửi Thủ tướng, AmCham đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét tính hiệu quả của các gói hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn như việc hoãn nộp một số loại thuế và bảo hiểm sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ sẽ giúp họ có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn này.
AmCham cho biết thêm, họ cũng nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp rằng một số doanh nghiệp không thể tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp theo gói hỗ trợ vay của Chính phủ. Lý do là các ngân hàng đã từ chối hồ sơ vay vì lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp và cho rằng các doanh nghiệp này sẽ không thể phục hồi dòng tiền trong thời gian ngắn vì sự đình trệ của nhu cầu tiêu dùng. AmCham hy vọng những khó khăn trên sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp
Cột tin quảng cáo