Covid-19: Nhiều doanh nghiệp nhỏ lúng túng, chưa biết làm thế nào để tiếp cận được gói hỗ trợ 250.000 tỷ
Hà Nội cho vay ưu đãi 650 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo / Ngân hàng Nhà nước 'hiến kế' giúp doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo vẫn vay được vốn
Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg được ban hành ngày 4/3 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.
Theo đó, các Ngân hàng thương mại cũng cần kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…Với gói hỗ trợ lần này ngân hàng hoàn toàn không dùng tiền của ngân sách.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay khi nhận được Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hiện nhiều Ngân hàng thương mại đã triển khai gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm hỗ trợ sớm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ gia đình.
Khá nhiều doanh nghiệp SME chưa biết cách tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ (Ảnh minh họa)
Tại Group CEO Sinh tồn mùa dịch, các CEO thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, số lượng lến đến hơn 1.000 thành viên họ tập hợp nhau lại để cùng hỗ trợ, chia sẻ nhau giải pháp "vượt bão" trong dịch Covid-19. Khi được hỏi về việc các doanh nghiệp SME có tìm cách tiếp cận với gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng như thế nào, thì đa số nhận được câu trả lời là chưa có đơn vị nào tiếp cận được gói hỗ trợ này từ các Ngân hàng.
Anh N.T.G - CEO một chuỗi 7 cơ sở thẩm mỹ hiện tại đã cho đóng cửa gần hết cũng nhận định: “Đối với các doanh nghiệp SME thì tỷ lệ nhận được gói hỗ trợ này sẽ là cực thấp. Mình cho nhân viên gọi bên ngân hàng chính sách xã hội thì bên đó nói đợi thông tin Nhà nước. Mà nếu gói này có được triển khai thì cũng không đến lượt SME mà sẽ đẩy vào các nhóm doanh nghiệp “ưu tiên” trước. Anh G. khuyên anh em CEO phải tự cứu mình trước đi đừng chờ đợi. Nếu sau này có thì coi như là cứu cánh, còn tâm lý là nên coi như là không cho đỡ trông mong".
Anh Linh - Chủ mỗi chuỗi nhà hàng cũng nói: "Hiện tại tất cả 5 cửa hàng của tôi đều chưa nhận được thông tin gì từ gói hỗ trợ này. Bản thân tôi cũng chưa biết thủ tục để xin vay vốn từ gói hỗ trợ này như thế nào, cần chuẩn bị những hồ sơ gì?".
Một CEO khác là chị T.A.P khi được hỏi về gói hỗ trợ cho hay: "Hiện tại các doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các văn bản hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp cả. Vẫn chờ thôi nhé".
Anh Quang - CEO một công ty trong lĩnh vực xây dựng cũng cho hay: "Với các doanh nghiệp SME như tôi thì thường sẽ là tự thân tìm hướng thoát khó khăn thôi, chứ chờ nhận được gói hỗ trợ thì rất khó".
Đối với các doanh nghiệp SME có tâm lý cho rằng, sau khoảng thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn chi tiết về cách thức và đối tượng triển khai, thì đến thời điểm hiện tại đa số mọi người đều không đặt quá nhiều hy vọng vào gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng, mà họ đều đang tìm cách để tự cứu lấy mình trong giai đoạn khó khăn chưa từng có trong tiền lệ này.
Các doanh nghiệp hiện đang phải gồng mình chống chọi với tình hình kinh tế nhiều biến động nhằm cố gắng duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp mình. Các vấn đề vô cùng cấp bách mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại như thanh khoản, thiếu hụt nguồn vốn lưu động, phải cơ cấu nợ, tìm kiếm các giải pháp về quản trị, tiết kiện chi phí, linh hoạt… Rất nhiều các doanh nghiệp hiện đang phải hoạt động cầm chừng, đóng băng, ngủ đông thậm chí là phá sản.
Việc Chính phủ có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thời dịch bệnh là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp vì đây có thể sẽ là cứu cánh cho họ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên thực tế gói hỗ trợ này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Một số SME cho rằng, nếu thủ tục và yêu cầu của các ngân hàng nghiêm ngặt, thì SME cũng sẽ khó đáp ứng, nên việc tiếp cận được gói hỗ trợ này là điều khó kỳ vọng.
Các doanh nghiệp SME hiện tại đang đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào Chính phủ trong việc kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó cần những giải pháp chính sách sáng suốt, phù hợp để duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các biện pháp giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng bằng, triển khai các gói hỗ trợ bằng những băn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể để chủ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh có thể dễ dàng tiếp cận được với những chính sách ưu đãi, giúp họ giảm đi một phần gánh nặng, khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo