CPI năm 2023 tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại / Dự kiến hơn 260.000 lượt khách đến Đà Nẵng dịp Noel, Tết Dương lịch
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4/2023 và năm 2023 của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý 4/2023 tăng 3,54% so với quý 4/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước. Với mức tăng này, CPI đã đạt mục tiêu đề ra là dưới 4%.
Nguyên nhân chính làm CPI tháng 12 tăng là do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.
CPI năm 2023 tăng do một số nguyên nhân chính, như: Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% (tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm) do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% (tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm), do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao; chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85% (tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm)…
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023. Đó là, chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm; dầu hỏa giảm 10,02%. Chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,81% so với năm trước do giá điện thoại di động thế hệ cũ giảm.
Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Lạm phát toàn cầu từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%).
Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, nhiều giải pháp được tích cực triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy cùng với đó các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đồng loạt triển khai. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm, giảm thuế, gia hạn Visa cho khách du lịch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn - vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã được thực hiện đồng bộ.
Nhờ vậy, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng - giảm đan xen.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ