Cú hích lớn từ tư duy sản xuất nông sản sang làm kinh tế nông nghiệp
El Nino gây thiệt hại 3,6 triệu USD cho nông nghiệp Việt Nam / Tín dụng nông nghiệp: Kỳ vọng từ Nghị định 116
Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là con đường duy nhất để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhiều địa phương đã tìm được hướng đi riêng trong tổ chức sản xuất. Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên, Mường La, Sông Mã... đã là những địa phương tiên phong chuyển từ tư duy sản xuất nông sản sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa vào hợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển.
Thực tế việc chuyển đổi và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng độ che phủ của đất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Huyện Yên Châu là vùng đất trồng xoài rất tốt, trước đây cây xoài không được chú ý. Nhưng sau khi xác định được điều kiện phát triển xoài thuận tiện, việc lựa chọn giống xoài nào, quy hoạch trồng ở vùng nào, với những kỹ thuật gì và có kế hoạch phát triển thị trường như thế nào… thì rõ ràng, vụ xoài của Yên Châu vừa rồi đã cho thắng lợi cực kỳ lớn” – ông Chử Văn Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng và ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá khi nói về chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Sơn La.
Người dân chọn xoài da xanh để xuất khẩu. |
9 tháng qua, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được gần 15.000 tấn quả các loại sang thị trường 12 nước, đạt giá trị 93 triệu USD. Một con số mà trước đây một tỉnh miền núi khó có thể nghĩ đến.
Với thị trường tiêu thụ ổn định, nhà máy chế biến nông sản được xây dựng, nhiều nơi đã không còn chỗ cho những cây truyền thống kém hiệu quả. Thay vào đó, na hoàng hậu, bưởi da xanh, chanh leo, cam, rau hoa đang mang lại giá trị kinh tế từ 300 - 700 triệu đồng, có nơi lên đến 1 tỷ đồng mỗi ha.
Tỉnh Sơn La đã có 540 hợp tác xã, 31 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, 14 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Việc liên kết lại giúp nông dân không còn bị thương lái ép giá.
“Qua 2 năm thực hiện sản xuất hàng hóa sạch phục vụ xuất khẩu đi nước ngoài, bà con thấy rất phấn khởi, thu nhập thì cao hơn so với sản xuất thông thường trước đây. Mục tiêu tới đây của HTX, bà con cũng vẫn sẽ phát huy trồng cây ăn quả trên đất dốc, hướng tới xuất khẩu hàng hóa sạch và giữ môi trường” - ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu nói.
Người dân Thủ đô mua nhãn Sơn La. |
Ông Lường Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Châu chia sẻ, quan điểm phát triển nông nghiệp của huyện là liên kết hợp tác, giảm chi phí tăng chất lượng, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, doanh nghiệp là động lực và là cầu nối dẫn dắt sản xuất theo cơ chế thị trường.
“Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm, tôi cho đó là chủ trương luôn đúng. Những gì hợp tác xã chưa làm được thì chính quyền đồng hành cùng, ví dụ xúc tiến thương mại thì huyện phải cử các đoàn đưa HTX đi xúc tiến để gặp gỡ đối tác, để các đối tác cũng biết về HTX và HTX cũng có điều kiện kết nối với các doanh nghiệp. Toàn bộ kiến thức về thị trường thì được các cấp chính quyền hỗ trợ, tư vấn để các HTX sản xuất đóng gói, thu hái đảm bảo theo quy chuẩn xuất khẩu” – ông Hiếu cho biết.
Sự thay đổi tư duy của các địa phương cùng với hàng loạt chính sách thu hút hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng đã tạo nên những cú hích lớn. Nông nghiệp Sơn La đã bước vào những mùa bội thu!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)