Đánh giá kết quả quy chế phối hợp giữa Cục QLTT 5 tỉnh
Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thực hiện Quy chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa 05 Cục QLTT giáp ranh là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An được ký kết ngày 12/6/2019, các tỉnh đã phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính ở khu vực giáp ranh.
Trong Quý II và Quý III năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường 5 tỉnh giáp ranh đã tổng kiểm tra trên 9.000 vụ, xử lý vi phạm 5.236 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước gần 96 tỷ đồng.
Các vụ vi phạm bị xử lý chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; buôn bán hàng giả; không niêm yết giá; vi phạm về đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; vi phạm về an toàn thực phẩm; vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, quản lý hóa đơn, website bán hàng, biển hiệu…
Trong đó, riêng Cục QLTT TP.HCM xử lý 2.700 vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 82 tỷ đồng.
Báo cáo tổng kết cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính ở khu vực địa bàn giáp ranh giữa các Cục còn nhiều hạn chế, chưa thật sự chủ động và có sự đột phá. Nội dung phối hợp chưa thể hiện sự phong phú, đa dạng và nhất là chưa phối hợp theo chiều sâu trên một số lĩnh vực như phối hợp kiểm tra sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng qua cung cấp thông tin về đường dây sản xuất hàng giả ở địa bàn này và tiêu thụ ở địa bàn khác.
Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển hàng lậu ở các địa bàn giáp ranh diễn biến phức tạp, biên chế nhân sự của một số Đội QLTT giáp ranh ít, thiếu phương tiện thực hiện công tác chống lậu, trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện hiện đại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá nhập lậu hiện vẫn còn khó khăn nên dẫn đến kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Việc chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của cấp trên chưa kịp thời. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý, văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, gây phức tạp trong trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý.
Trước những hạn chế này, trong thời gian tới, các Cục tiếp tục bám sát các nội dung của Quy chế phối hợp. Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai thu thập thông tin, nắm tình hình kịp thời phối hợp tốt đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại không để xảy ra điểm nóng địa bàn giáp ranh. Các Đội Quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh tăng cường hơn công tác phối kết hợp, đặc biệt là phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn giáp ranh.
Thực hiện việc phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác nghiệp vụ xử lý và tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Cục Quản lý thị trường và Đội Quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, người dân không buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Phối hợp các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương, Công an huyện, Công an các xã, thị trấn trong công tác quản lý địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo