ĐBSCL: Hiệu quả cao từ nuôi tôm bằng… cây mắm
Tại ĐBSCL có thể nói cây mắm (loại cây sống ở vùng ngập mặn) mọc ở Cà Mau nhiều nhất. Cây mắm ngoài tác dụng hình thành nên những cánh rừng bảo vệ lở đất thì hiện nay xuất hiện một vấn đề khá lạ đó là dùng cây mắm…làm thức ăn cho tôm.
Hậu Giang: Chủ động sản xuất an toàn để bảo vệ môi trường / Lai Châu: Trồng chuối, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Qua phà Đầm Cùng (huyện Cái Nước) là đến huyện Năm Căn. Dọc theo tuyến Quốc lộ 1A (đoạn cuối cùng của Tổ quốc) của huyện này xuất hiện 2 bên đường rất nhiều cây mắm. Chúng tôi xuống xã Hàng Vịnh gặp một số hộ dân nuôi tôm để tìm hiểu về việc dùng cây mắm làm thức ăn cho tôm sú.
Ông Sáu Hùng (ngụ ấp 4), một hộ dân từng thực hiện mô hình này cho biết, việc dùng cây mắm nuôi tôm ông đã thực hiện từ 1, 2 năm về trước. Thời điểm đó hiệu quả trong những lần bắt tôm khá cao. Thông thường tôm chừng 30 con/kg nhưng khi ông nuôi cho ăn bằng cây mắm thì tôm đạt 18 - 20 con/kg.
Lý giải việc dùng cây mắm cho tôm ăn, theo ông Hùng thì khi cây mắm gặp phải nước, lâu ngày cây mắm (bao gồm lá, thân) bị phân hủy sinh ra một loại thức ăn nào đó và khi tôm ăn thức ăn này thì lớn khá nhanh. Cũng trong ấp 4 có hộ anh Trần Phong Lưu, anh Lưu cũng thực hiện việc cho tôm ăn bằng cây mắm và đạt hiệu quả nhất định.
Theo ông Trương Minh Quang - Trưởng ấp 4 (xã Hàng Vịnh) cho biết, thì cây mắm khi cắm xuống đất sẽ chỉ gây thối đất một vùng rồi phân hủy từ từ. Có thể sự phân hủy ở khu vực này phát sinh ra chất gì đó thu hút tôm lại đeo bám vào đó để tìm thức ăn.
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ lâm ngư xã Hàng Vịnh, chúng tôi tiếp tục xuống ấp Xóm Lớn Trong gặp hộ ông Nguyễn Văn Bông. Trước đó, cán bộ xã đã cho chúng tôi biết, hộ ông Bông thực hiện mô hình này có hiệu quả nhất nhì trong xã nên khi nghe ông Bông trò chuyện về công việc nuôi tôm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Ông Bông cho biết đã thực hiện việc dùng cây mắm cho tôm ăn từ năm 2000 và năm nào cũng thu được kết quả tốt. Ông Bông lý giải: “Thời chiến tranh, người dân vùng Cà Mau ở trong rừng không có gì ăn. Họ hái trái mắm chà bỏ vỏ và nhụy bên trong, còn lại ăn sống hoặc luộc ăn thay cơm. Chính vì thế tôi nghĩ có thể dùng cây mắm cho tôm ăn”.
“Thời gian trước năm 2000, tôm thường bị dịch bệnh nên việc nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn, vì thế tui bắt đầu thực hiện dùng cây mắm cho tôm ăn thử xem có hiệu quả hay không” - ông Bông nói.
Thực hiện việc này bằng cách chặt đọt mắm dài khoảng 1,5 - 2m rồi cắm (hoặc quăng) xuống ao, mỗi nhánh cách nhau 3m trải khắp diện tích nuôi. Sau một thời gian ông Bông đi kiểm tra và khi giở những cây mắm này lên thấy tôm bám vào đó, nhìn vào đầu tôm thấy có màu xanh thẫm chứng tỏ tôm đã ăn.
Cứ thế, cách 2 tháng là ông Bông chặt cây mắm bỏ xuống ao. Nuôi khoảng 4 - 5 tháng và khi xổ tôm (bắt lên bán) chỉ từ 14 - 15 con/kg, ông Bông thu hoạch đáng kể. Theo ông Bông cũng từ khi thực hiện việc cho tôm ăn cây mắm thì tôm không bị bệnh nữa mà lớn nhanh và phát triển tốt hơn nhiều.
Nhiều ao tôm cũng xuất hiện các cây mắm dưới ao.
Lý giải về cây mắm, ông Bông cho biết: “Chất thối của cây mắm (đặc biệt là vỏ) có thể sinh ra chất men xúc tác đến tôm. Khi phân hủy tất sẽ sinh ra những loại sinh vật khác và tôm đeo vào để ăn. Ngoài ra, còn phải giải phân hữu cơ để tạo ra chất tảo cho ao tôm”.
Theo ông Bông, nhiều hộ nuôi tôm ở ấp Xóm Lớn Trong như hộ ông Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Đen… cơ sở sản xuất tôm giống Mai Sáu ở ấp 2 (xã Hàng Vịnh) cũng thực hiện nuôi tôm kiểu này và thu được hiệu quả cao.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thành Nhân - Cán bộ Lâm - ngư xã Hàng Vịnh cho biết, vấn đề này như một kiểu nuôi theo kinh nghiệm dân gian: nuôi tôm kết hợp với trồng rừng. Sự kết hợp này làm cho đất màu mỡ hơn so với dọn ao đầm trống. Việc chặt cây mắm bỏ xuống ao cũng giống như kiểu này. Tuy nhiên mô hình này chưa phát triển đại trà do người này thực hiện được nhưng người khác thấy vẫn còn e ngại.
Còn theo ông Nguyễn Như Độ - Phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Cà Mau) cho biết, trước đây có một Xí nghiệp ở Cà Mau chuyên làm bột lá mắm để nuôi tôm, tuy nhiên chỉ hoạt động một thời gian rồi ngưng vì không hiệu quả.
“Song, việc cây mắm khi phân hủy trở thành thức ăn cho tôm là có” - ông Độ khẳng định. Cũng theo ông Độ, cây mắm thường mọc ở xung quanh bờ ao nên khi lá mắm rụng xuống, lâu ngày phân hủy làm thức ăn cho tôm là chuyện bình thường. Còn việc chặt cây mắm cắm xuống ao để làm thức ăn cho tôm thì có vẻ “hơi lạ” và hầu như rất ít nói đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lá mắm có lượng đạm cao hơn so với một số lá khác, chính vì thế khi phân hủy tạo chất đạm làm thức ăn cho tôm. Ngoài ra, vỏ cây mắm khi phân hủy có những chất nhờn cần thiết cho các loài sinh vật phát triển rất tốt làm thức ăn cho tôm.
Tuy nhiên qua sự việc này, phải cần thêm sự vào cuộc của các nhà khoa học để có thể có hướng đi mới cho việc phát triển nghề nuôi tôm ở vùng ĐBSCL.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo