Thị trường

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Xóa bỏ tư duy thị trường dễ tính

Để nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần tái định vị lại thị trường, xóa bỏ tư duy đây là thị trường dễ tính, đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm.

Vải thiều chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản / Xuất khẩu vải thiều chinh phục thị trường khó tính

Ưu tiên xúc tiến thương mại

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), không những gần gũi, Trung Quốc còn là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông sản. Sắp tới đây, cả 2 nước tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực mới hơn.

xuat khau nong san sang trung quoc xoa bo tu duy thi truong de tinh
Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc

Xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng, hàng năm, Bộ Công Thương luôn ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) quy mô lớn, huy động sự tham gia của nhiều Hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp (DN) với nhiều hình thức đa dạng, tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN triển khai thực hiện các giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường Trung Quốc thông qua việc mua nguồn thông tin chuyên ngành tại thị trường sở tại, từ đó nắm bắt được tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các chủng loại nông sản đặc thù riêng của từng địa phương tại Trung Quốc để có những giải pháp định hướng kịp thời cho các DN xuất khẩu, địa phương tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại đáp ứng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng; đổi mới, tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức tổ chức chương trình XTTM hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm…

Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường, Bộ Công Thương đã định hướng cho các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng bao bì đóng gói nhỏ, có thương hiệu, giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp tại thị trường Trung Quốc; đồng thời tích cực trao đổi giữa các cơ quan Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, chính sách; mở rộng phạm vi và năng lực XTTM thông qua mạng lưới Văn phòng XTTM tại các địa phương của Trung Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song song với việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống (hội chợ, triển lãm, giao thương...).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo, tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại, văn phòng XTTM Việt Nam tại địa bàn sở tại trong việc phối hợp tư vấn, cung cấp thông tin về các nhóm ngành hàng có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam như trái cây nhiệt đới, thủy hải sản, cà phê, hồ tiêu, gạo... cho các DN kinh doanh thương mại điện tử của Trung Quốc; chủ động tìm kiếm DN Trung Quốc hợp tác với các DN, hợp tác xã của Việt Nam ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; tuyên truyền vận động, tổ chức đoàn mua hàng, đoàn DN khảo sát giao thương nhập khẩu hàng hóa, tham dự các Hội chợ, triển lãm, sự kiện XTTM quốc tế tại Việt Nam như Vietnam Expo, Foodexpo, Vietfish, Hội chợ nông nghiệp quốc tế, Triển lãm mỗi làng một sản phẩm...

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả và cụ thể hóa nội dung các Bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến XTTM đã được ký kết, cụ thể như MOU về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc với mục tiêu tổ chức kết nối giao thương đối với gạo, trái cây, thủy sản tại các địa phương còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc...; MOU về phát triển thương mại giữa Bộ Công Thương (Cục XTTM), 12 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố của Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); MOU về phát triển thương mại giữa Bộ Công Thương (Cục XTTM), 10 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố (Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La) với Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc).

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

 

Song song với các giải pháp hỗ trợ DN, Bộ Công Thương khuyến nghị, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, trước mắt, đối với công tác sản xuất, cần phải tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Hàng hóa có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại, có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lâu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi của FTA. Đồng thời, tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên để làm lợi thế cạnh tranh; tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.

Đối với công tác tổ chức xuất khẩu, các DN cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán; theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này.

Bên cạnh đó, cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.

DN cũng cần chủ động tìm hiểu và chú trọng việc tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu có uy tín của Trung Quốc nhằm xuất khẩu sang thị trường này một cách chuyên nghiệp; thông qua các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương đặt tại Quảng Tây, Quảng Châu, Vân Nam, Trùng Khánh, Hàng Châu cũng như cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để được hỗ trợ về thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác; đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm...

Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại thị trường Trung Quốc; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa của thị trường; thậm chí có thể thuê các đơn vị xây dựng phát triển thương hiệu của Trung Quốc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh, có uy tín của Việt Nam để phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm