Doanh nghiệp bất động sản tìm cách tái cấu trúc để vượt qua khó khăn
Rộn ràng mua sắm tại lễ hội táo Washington tại siêu thị BRGMart / Tháo gỡ nút thắt tín dụng: Bất động sản liệu có được hồi sinh?
Tâm điểm trên thị trường bất động sản cuối tuần vừa qua là Hội nghị về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp lớn - đại diện cho thị trường, đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề vướng mắc của thị trường. Thủ tướng đã nhấn mạnh và chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.
Thứ hai, ngành ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình bởi có những khó khăn do chính doanh nghiệp gây ra, như dự báo không tốt, phân khúc không tốt. Thủ tướng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án về phát triểnnhà ở xã hộidành cho công nhân, người thu nhập thấp. Sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành văn bản phù hợp để tổ chức thực hiện, các chủ thể phải triển khai ngay các nhiệm vụ, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên VTVMoney, ngay sau Hội nghị, với những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên trên thị trường bất động sản đã rục rịch có những chuyển biến nhất định.
Thị trường bất động sản bắt đầu tự điều chỉnh
Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự chuyển biến. Trước mắt, đối với các dự án chậm tiến độ, thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản. Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 116 dự án gặp vướng mắc, trong đó thành phố ưu tiên xử lý dứt điểm cho 38 dự án".
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, các khó khăn, vướng mắc thị trường chiếm 70% là về pháp lý. Đây cũng là một trong các lý do dẫn đến sự lệch pha nguồn cung và nhu cầu nhà ở.
Do đó, những định hướng, chính sách tháo gỡ tại Hội nghị đã tác động rất lớn đến tính sống còn cho thị trường bất động sản… là điểm tựa giúp cơ quan quản lý, địa phương lên phương án tháo gỡ cụ thể.
Ngoài sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án, tín hiệu đáng mừng từ thị trường cho thấy, một số doanh nghiệp đã ngay lập tức họp bàn, tự tìm cách tái cấu trúc.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ , cho biết: "Chúng tôi phải xác định phải tự cứu lấy mình, tự cơ cấu lại hoạt động của mình. Ngay trong buổi sáng đầu tuần, chúng tôi họp để cơ cấu lại, đầu tiên là các dự án đầu tư thì đều giãn tiến độ, xác định luôn là việc gì cần chi tiền mới chi. Làm việc thì xoay tour nhau làm việc để thực hiện giảm chi phí tránh việc gây khó khăn tài chính gây đổ vỡ dây chuyền".
Ông Hoàng Liên Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng với sự quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, từ phía Ngân hàng Nhà nước thì chính sách từ cuộc họp vừa rồi sẽ sớm đi vào thực tế để doanh nghiệp và tất cả ngành nghề khác, họ đều cùng áp dụng được ngay. Nếu thời gian quá lâu, doanh nghiệp khó cơ hội để tồn tại được".
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, họ đang có kế hoạch tìm hiểu chuyển hướng sang nhà ở xã hội - một phân khúc sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ trong thời gian tới. Đây cũng là những dự án được các địa phương ưu tiên tháo gỡ vướng mắc vào thời điểm này.
Tại Hội nghị cuối tuần trước, nhiều ý kiến đề cập đến việc khó khăn trên thị trường một phần xuất phát từ việc cơ cấu phân khúc nhà ở chưa hợp lý, quá nhiều nhà giá cao trong khi nhà bình dân, nhà ở giá thấp lại hiếm, thậm chí là quy hoạch dự án tại một số địa phương chưa thật sự hợp lý.
Xung quanh nội dung này, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm cho người dân. "Những vùng đất đẹp, có lợi thế nhiều mặt, là phải dành cho kinh doanh thì mới có công ăn việc làm. Có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến ở, mới có người mua nhà. Có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, mới phát triển được đô thị".
Lối ra cho thị trường bất động sản
Gần 20 năm tham gia thị trường, ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Everland, cho biết, các dự án bất động sản luôn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, việc xem xét các dự án có thật sự phù hợp, mang lại công ăn việc làm, thu hút người dân đến ở hay không, thì không phải dự án nào cũng được tính toán kỹ.
Ông Lê Đình Vinh nhận định: "Muốn phát triển kinh tế xã hội trước hết là nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là người hiểu hơn ai hết những tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của địa phương mình còn doanh nghiệp bất động sản, thường người ta nhìn đến những cái ngắn hạn thôi. Nhưng để có sự phát triển về kinh tế xã hội, công ăn việc làm cho người dân địa phương phát triển sản xuất kinh doanh, tôi nghĩ rằng cần phải có sự chung tay giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản cũng phải thay đổi tư duy lâu nay, cách làm lâu nay. Chúng ta thay vì nhìn vào những lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà quên đi nền tảng sâu xa, đó là phải phát triển kinh tế xã hội, công ăn việc làm, phải có cộng đồng dân cư thì mới có bất động sản".
Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh tình trạng nhiều dự án khó bán hàng do thuộc phân khúc cao cấp, giá cao, khiến đại đa số người dân khó tiếp cận, thì cũng có những dự án nhiều người mua chỉ nhằm mục đích đầu cơ, không đến ở, gây ra sự lãng phí rất lớn. Trong khi những người có nhu cầu nhà ở thật lại không thể với tới. Cho nên, đã gây ra nghịch lý: Chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ, nói: "Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về phát triển kinh tế xã hội. Bất động sản chỉ là một mảng trong nền kinh tế nói chung. Chắc chắn nền kinh tế phải phát triển, sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải phát triển thì người dân mới có tiền phải có tích lũy để mua bất động sản. Đất đai là tài nguyên hữu hạn, Nguồn thu đó chỉ là nguồn thu trước mắt. Muốn phát triển lâu dài, bền vững thì đều phải từ sản xuất, và thu thuế từ sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ trong tương lai cũng phải điều chỉnh lại quy hoạch chung để đảm bảo yếu tố không dư thừa, lãng phí để mất nguồn lực đổ vào sản xuất kinh doanh".
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà bình dân đang được khuyến khích trở lại. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà, thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Ông Lê Đình Vinh cho biết thêm: "Theo tôi, Hội nghị vừa rồi là một trong những hội nghị chất lượng nhất. Các bộ ngành cũng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tôi cho rằng hiện nay từ trên xuống dưới từ chính phủ đến doanh nghiệp đều đã thống nhất nhận thức nhìn nhận đúng những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản. Giải pháp này cũng rất đúng và trúng hướng. Tuy nhiên vấn đề là làm sao để các giải pháp này nhanh chóng đi vào thực tiễn vì thời gian vừa qua chúng ta cũng đã có rất nhiều đánh giá, hội nghị, giải pháp đưa ra nhưng tốc độ triển khai vẫn còn khá chậm trễ".
Nhiều ý kiến kỳ vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp cụ thể từ địa phương, từ các doanh nghiệp, các khó khăn của thị trường bất động sản sẽ sớm được tháo gỡ.
Có bao nhiêu người có thể mua được nhà tại các dự án nhà cao cấp, đặc biệt lại không phải là các dự án tại các thành phố lớn, đông dân, nơi tập trung nhiều lao động và việc làm? Câu hỏi này đã trở thành câu hỏi được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn sau Hội nghị về bất động sản cuối tuần vừa qua, đề cập thẳng vào vấn đề lệch pha cung cầu trong thời điểm hiện tại. Như vậy, bên cạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang hiện hữu, thì vấn đề quy hoạch, sử dụng đất, quy hoạch dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân và địa phương cũng đang là vấn đề lớn trên thị trường bất động sản hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo