Thị trường

Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu gạo vào EU

DNVN - Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), để xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao vào thị trường EU, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý chất lượng gạo nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Xây dựng ngành lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” / Xuất khẩu gạo cao kỷ lục nhưng hiệu quả kinh doanh hạn chế

Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xát trắng thường, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm (9 giống Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào). Ngoài ra, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.

Những cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Cho đến nay, cơ bản gạo và sản phẩm gạo Việt Nam đã được hưởng mức thuế suất 0% đối với lượng gạo trong hạn ngạch. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Gạo Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, giá gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Bỉ và các nước EU cao hơn mức trung bình của các nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao như ST25, ST24. Một số mặt hàng gạo chế biến từ gạo phở, bún, bánh đa nem và gạo của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào hệ thống phân phối hiện đại của EU tại Đức, Séc, Bỉ Hà Lan, Pháp, Bắc Âu.

Bộ Công Thương cho biết, hiện tại Việt Nam và EU đang trao đổi về danh sách gạo thơm được nhập vào EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với mức thuế ưu đãi hơn. Nên ngoài mức thuế EVFTA, gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh hạn ngạch thuế quan chung so với các nước.

Để xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao vào thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý chất lượng gạo nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Bài học năm 2021, khi làm thị trường cho gạo ST25, doanh nghiệp Bỉ đã phải thu hồi vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0.017mg/kg.

Mặt khác, hiện nay chủng gạo thơm ST 24, 25 đang được làm thị trường tại Bỉ và EU nhưng chủng gạo này chưa được hưởng ưu đãi theo khuôn khổ EVFTA do vậy phải cạnh tranh hạn ngạch thuế quan chung với các nước. Việt Nam cần sớm đẩy nhanh đàm phán lại, mở rộng danh mục chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.

Đánh giá về chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, mặc dù đứng trong top đầu các nước về sản lượng xuất khẩu gạo nhưng thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn "nhạt nhòa". Đây là những bất cập cần hóa giải để nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo đầu ra bền vững cho ngành hàng nông sản của Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam. Đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, bảo đảm thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm